Tài nguyên nước, lương thực, năng lượng: Lựa chọn nào cho khu vực Mê Kông?

ThienNhien.Net – Diễn đàn khu vực đầu tiên về chủ đề tài nguyên nước, lương thực, năng lượng đang diễn ra tại Phnom Penh (Campuchia) từ ngày 7-9/12/2011.

Hơn 150 đại biểu từ các cơ quan chính phủ, các tổ chức nghiên cứu, tổ chức phi chính phủ ở các quốc gia trong khu vực tiểu vùng Mê Kông và các tổ chức quốc tế tham dự diễn đàn, chia sẻ các vấn đề xoay quanh chủ đề tài nguyên nước.

Diễn đàn do Chương trình Nước và Lương thực của tổ chức Tư vấn Nghiên cứu Nông Nghiệp Quốc tế (CGIAR), Bộ Tài nguyên nước và Khí tượng Campuchia, Chương trình Mê Kông về nước – môi trường – phục hồi (M-POWER), và Oxfam Úc phối hợp tổ chức. Ban tổ chức dự định sẽ biến diễn đàn này thành sự kiện thường niên nhằm tăng cường chia sẻ, trao đổi giữa các bên liên quan.

Diễn đàn tập trung vào nhiều chủ đề khác nhau như quản lý phát triển tài nguyên nước, công nghệ, thủy điện, tưới tiêu và sử dụng đa mục đích, chính sách và quy định về phát triển thủy điện, quản lý lũ lụt, đầu tư và giám sát đầu tư trong lĩnh vực tài nguyên nước , năng lượng v.v…

Một phiên họp tại Diễn đàn

Câu chuyện phát triển thủy điện thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu, trong đó câu hỏi về giải pháp biến thủy điện thành nguồn năng lượng thực sự thân thiện với môi trường, ít tác động lên thiên nhiên và cộng đồng hơn được bàn thảo dưới nhiều khía cạnh kinh tế, kỹ thuật, tài chính, chính sách, xã hội và môi trường.

Vấn đề này được đưa ra bàn thảo trong bối cảnh các đề xuất phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông đang đặt các quốc gia trên lưu vực ở ngã ba đường: lựa chọn năng lượng hay an ninh lương thực? Phát triển bền vững hay đối mặt với tương lai bất ổn định?

Cùng thời gian này, tại thành phố Siem Reap (Campuchia) cũng đang diễn ra cuộc họp cấp Hội đồng của Ủy hội sông Mê Kông quốc tế. Theo lịch trình, trong ngày 8/12 này lãnh đạo bốn quốc gia Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam sẽ thảo luận và đưa ra quyết định về đề xuất dự án đập thủy điện Xayaburi – quyết định được cho là có tính sống còn đối với số phận sông Mê Kông.

Mê Kông là con sông quốc tế bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng với chiều dài hơn 4800 km chảy qua sáu quốc gia, từ Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchiavà Việt Nam. Hiệp định về quản lý, sử dụng, chia sẻ nguồn nước con sông quốc tế này được ký kết vào năm 1995, trong đó Trung Quốc và Myanmar chỉ đóng vai trò quan sát viên, không tham gia chính thức. Hiện nay, đã có 4 đập thủy điện trên dòng chính ở trong địa phận Trung Quốc được xây dựng và đưa vào vận hành. Đập Xayaburi là dự án đầu tiên được đề xuất xây dựng trên dòng chính ở phía hạ lưu sông Mê Kông.