Các nước đông Himalaya hợp tác thích ứng khí hậu


Bhutan – một trong những nước nằm ở phía đông dãy Himalayas (Ảnh: Creativeroots.org)

ThienNhien.Net – Tại Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu Climate Summit for a Living Himalaya vừa diễn ra tại Bhutan, 4 nước Bhutan, Nepal, Ấn Độ và Bangladesh đã cùng ký một bản tuyên ngôn cấp vùng về thích ứng với biến đổi khí hậu, cam kết hợp tác trên diện rộng trong các vấn đề về năng lượng, nước, lương thực và đa dạng sinh học.

Về năng lượng, 4 nước đều tán thành việc phối hợp cùng nhau nhằm gia tăng khả năng tiếp cận với các nguồn năng lượng và công nghệ năng lượng sạch an toàn với chi phí hợp lý, thông qua một cơ chế chia sẻ kiến thức cấp vùng. Cơ chế này bao gồm việc đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, tăng cường liên kết vùng để phát triển khí tự nhiên và điện năng cũng như đẩy mạnh các nỗ lực nhằm cải thiện hiệu suất năng lượng dọc suốt các quốc gia miền Đông Himalaya.

Riêng đối với an ninh nguồn nước – vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất tại hội nghị, cả 4 quốc gia đã đi đến thống nhất về các hoạt động trong tương lai, bao gồm hợp tác quản lý hệ sinh thái và thảm họa, chia sẻ kiến thức về hiệu quả sử dụng nước, đồng thời củng cố hiểu biết về những tác động của biến đổi khí hậu đối với nguồn tài nguyên nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, 4 nước cũng nhanh chóng đạt được thỏa thuận liên quan đến vấn đề an ninh lương thực và bảo đảm sinh kế, nhấn mạnh các hướng tiếp cận mang tính thích ứng nhằm cải tiến và phát triển bền vững sản xuất lương thực, củng cố và phát triển các hệ thống giúp những cộng đồng dễ bị tổn thương tiếp cận tốt hơn với nguồn lương thực bổ dưỡng, đồng thời giúp xây dựng năng lực và chia sẻ kiến thức cấp vùng.

Để tăng cường tính thích ứng với biến đổi khí hậu trong tình hình mới, ông Lyonchhoen Jigmi Y. Thinley đã kêu gọi các nước tạo ra một mô hình kinh tế toàn cầu mới có tính đến giá trị của vốn tự nhiên, các dịch vụ hệ sinh thái và hạnh phúc của con người vì một tương lai bền vững.

Và chắc chắn “một bức tranh liên kết về các khu vực bảo tồn khắp miền đông Himalayas cũng sẽ được mở ra sau tuyên ngôn này” theo như lời bà Liisa Rohweder, Giám đốc điều hành Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) – Phần Lan.

Bày tỏ sự đồng tình ủng hộ tuyên ngôn cấp vùng của 4 nước phía đông Himalayas, bà nói thêm: “Những sáng kiến cấp vùng như vậy thực sự rất cần thiết. Chúng ta nên coi đó là một hình mẫu tích cực cho Hội nghị Liên Hợp quốc về Biến đổi Khí hậu lần thứ 17 (COP 17) tại Durban và Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Phát triển Bền vững của Liên Hợp quốc (UNCSD-Rio+20) sắp diễn ra vào tháng 6 năm tới”.