Quảng Nam: Dân kiện chính quyền và chủ đầu tư thủy điện

ThienNhien.Net – Chủ đầu tư Thủy điện Sông Tranh 2 là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và UBND huyện Nam Trà My cùng nằm trong danh sách bị đơn mà 18 hộ dân ở thôn 6, xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam gửi lên TAND huyện.

Lý do khởi kiện EVN, theo các hộ dân là do trong quá trình thi công và tích nước, công trình thủy điện Sông Tranh 2 đã làm nước dâng gây ngập toàn bộ đất đai, nhà cửa, gây nguy hiểm đến tính mạng và làm thiệt hại tài sản của bà con. Ngày 24/10 vừa qua, Tòa án huyện Nam Trà My đã tiếp nhận đơn khởi kiện này.

Còn phía UBND huyện Nam Trà My sở dĩ cũng nằm trong danh sách bị đơn được gửi lên Tòa án huyện trong ngày 5/10 là vì đơn vị này đã ban hành quyết định đền bù quá thấp so với thực tế. Cụ thể là áp bảng giá bồi thường từ năm 2006 để chi trả cho tài sản được kiểm kê đến thời điểm này.

Nhà dân ngập sâu giữa lòng hồ (Ảnh: Tiền Phong)

Theo phản ánh của người dân đăng trên Nông thôn Ngày nay ngày 26/10, phần diện tích đất vườn tại khu vực xây thủy điện chỉ được đền bù với mức từ 2.000 – 5.000 đồng/m2; đất liền kề 5.000 đồng/m2; đất trồng cây lâu năm, hàng năm 10.000 đồng/m2; đất nằm sát mặt đường ĐT 616 30.000 đồng/m2, xa mặt đường ĐT 616 25m thì 28.000 đồng/m2. Về sau, khi người dân khiếu nại liên tục thì giá hai loại đất sau mới tăng lên 84.000 đồng/m2 và 70.000 đồng/m2.

Một số hộ dân chia sẻ, việc cùng lúc khởi kiện cả phía chính quyền và chủ đầu tư là điều bất đắc dĩ. Họ chỉ muốn được đền bù hợp lý để tìm một nơi khác tái định cư chứ không cố ý bấu víu hay muốn kiện cáo.

Tính đến nay, dự án thủy điện Sông Tranh 2 đã bồi thường, tái định cư cho hơn 1.000 hộ dân với tổng chi phí hơn 317 tỉ đồng. Tuy nhiên, riêng 18 hộ ở thôn 6 thì kiên quyết chưa di dời khỏi lòng hồ do không đồng tình với phương án đền bù. Hiện các hộ đang phải thuê nhà dọc tuyến đường ĐT 616 để ở tạm và chờ đợi phán quyết từ TAND huyện.

Về phía các hộ đã tái định cư, tuy đã nhận tiền bồi thường và đồng ý di dời nhưng do công tác hậu tái định cư còn nhiều bất cập nên không ít hộ cũng đang rơi vào tình cảnh “đói” đất sản xuất. Phía EVN đã không thực hiện cam kết đền bù đất sản xuất cho bà con như ban đầu mà đề ra “chiêu bài” chi trả tiền tương đương với hạn mức 1,5ha đất để người dân tự tìm đất sản xuất. Hiện UBND tỉnh Quảng Nam vẫn chưa có ý kiến chính thức về vấn đề này.