Mượn thăm dò để khai thác vàng: Sở nói có, tỉnh bảo không

ThienNhien.Net – Bất ngờ kiểm tra khu vực thăm dò vàng của Công ty cổ phần Tấn Phát tại xã Đăk Blô, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum vào đầu tháng 9, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh phát hiện hàng loạt lán trại được xây dựng cùng sự hiện diện của hàng chục công nhân, lao động, máy móc, phương tiện phục vụ việc khai thác, thậm chí, đơn vị này còn lập cả trạm kiểm soát và barie ngay tại khu vực thăm dò.

Ngoài các dấu hiệu bất thường nêu trên, đoàn kiểm tra thuộc Sở còn phát hiện một lượng nhỏ xái vàng tại lán đang được dùng thủy ngân để tạo hỗn hợp thu gom vàng. Trong khu vực thăm dò còn có một hầm đã bị lấy đá, một hầm mới đào, hai hầm đang mở miệng, hai giếng sâu để lấy vàng. Ngoài ra, không ít cây gỗ cũng bị cưa đổ phục vụ việc chống sập cho các hầm vàng, nhiều bao tải đựng đá chưa kịp vận chuyển về địa điểm nghiền đãi được dải quanh hầm.

Xà lan dùng để khai thác vàng sa khoáng tại Kon Tum

Sở nhận định, nhiều dấu hiệu cho thấy Công ty Tấn Phát đã lợi dụng giấy phép thăm dò vàng do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp từ ngày 9/4/2010 đến 9/4/2012 để khai thác vàng trái phép. Sở đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo xử phạt hành vi vi phạm này, nếu doanh nghiệp tái phạm, sẽ tiếp tục kiến nghị Bộ thu hồi giấy phép.

Tuy nhiên, trước những chứng cớ xác thực mà Sở đưa ra, phía Tân Phát luôn một mực khẳng định họ đã thực hiện theo đúng đề án thăm dò thông qua việc lập các tổ trắc địa; đo vẽ địa hình; khảo sát phổ tra địa chất…

Nhằm làm rõ những khúc mắc từ hai luồng thông tin trái chiều, UBND tỉnh Kon Tum với đại diện là ông Phạm Thanh Hà – Phó Chủ tịch tỉnh đã trực tiếp đi thị sát khu vực thăm dò và có buổi làm việc với các bên liên quan.

Kết thúc cuộc họp, ông Hà khẳng định, hiện chưa có đủ cơ sở kết luận doanh nghiệp Tấn Phát lợi dụng thăm dò để khai thác vàng trái phép. Tuy nhiên, UBND tỉnh Kon Tum sẽ tăng cường công tác kiểm tra giám sát, nếu phát hiện doanh nghiệp vi phạm các quy định trong đề án thăm dò, tỉnh sẽ kiến nghị Bộ rút giấy phép.

Cuộc họp cũng thống nhất, việc doanh nghiệp tự lập trạm kiểm soát là sai. Nếu doanh nghiệp có nhu cầu bảo vệ phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác thăm dò thì cần liên hệ, làm việc với Đồn Biên phòng 665 và UBND Đăk Glei để thống nhất vị trí, địa điểm và quy mô xây dựng lán bảo vệ phù hợp.

UBND tỉnh yêu cầu Công ty phải giải tán ngay các trạm kiểm soát và barie tự lập, khôi phục hiện trạng các vị trí bị tác động trái phép, di chuyển toàn bộ thiết bị và nhân lực không liên quan đến hoạt động thăm dò ra ngoài trước 10/9.

Tuy nhiên, kiểm tra trong ngày 13/9, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh vẫn phát hiện một số máy nổ và lao động phổ thông tại khu vực mỏ. Phía doanh nghiệp biện minh, máy nổ là dùng để phát điện, còn lao động phổ thông chuyên thực hiện các công việc phát tuyến, bưng bê, khuân vác mà lao động kĩ thuật không làm. Việc thăm dò không chỉ có lao động kỹ thuật mà cần có cả lao động phổ thông và lực lượng bảo vệ mỏ. (!?)

Ông Nguyễn Ngọc Tưởng, Tổng Giám đốc Công ty Tấn Phát cũng lý giải thêm, sẽ không thể đánh giá được trữ lượng vàng nếu không khai thác các loại mẫu như thạch học, khoáng tướng, trọng sa suối… Chỉ riêng việc khoan thăm dò, doanh nghiệp đã phải bỏ ra hơn chục tỉ đồng. Nếu tính tổng chi phí thăm dò cũng ngót nghét lên đến vài triệu đô. Doanh nghiệp sẽ không vì lợi nhỏ trước mắt mà ảnh hưởng đến uy tín về sau. Cũng theo ông Tưởng, khu vực thăm dò trên diện tích 198 ha trước đây đã từng bị vàng tặc cày xới nên những người không rành về địa hình sẽ rất dễ nhầm lẫn đó là sai phạm của chủ đầu tư.

Trên thực tế, Tấn Phát chỉ là một trong số rất nhiều những trường hợp vi phạm các quy định trong công tác thăm dò khoáng sản, tuy nhiên việc phát giác kịp thời của các cơ quan chức năng Kon Tum đã giúp cảnh tỉnh phần nào các đơn vị đã, đang và sẽ thực hiện những hành vi, ý đồ tương tự.

Nhằm đảm bảo công tác thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn được diễn ra theo đúng tiến độ và quy định pháp luật, các ban ngành địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát và xử lý sai phạm, tránh để các doanh nghiệp mượn cớ thăm dò để khai thác, gây thất thoát nguồn tài nguyên quốc gia.

Nguồn:
Theo Dân Việt, 13/09/2011