Nước vẫn có đủ, chỉ thiếu do quản lý

ThienNhien.Net – Bất chấp các xung đột về nguồn nước vẫn là vấn đề được thừa nhận trên nhiều khu vực của thế giới, nghiên cứu của Nhóm Tư vấn Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế (CGIAR) vẫn cho rằng thế giới có đủ nước cho nhu cầu của con người và vấn đề chỉ nằm ở khâu quản lý nguồn nước.

Ngay từ năm 2002, Nhóm Tư vấn Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế đã sáng lập ra chương trình CPWF nhằm tạo nên những cải cách hướng tới quản lý hiệu quả hơn nguồn nước trong nông nghiệp. Nhóm đã tiến hành một nghiên cứu với sự góp mặt của các nhà khoa học đến từ 30 nước trên thế giới với mục tiêu khảo sát và phân tích tác động qua lại giữa con người và nguồn nước.

Nghiên cứu được triển khai trong vòng 5 năm, tập trung vào 10 lưu vực sông ở châu Phi, Nam Mỹ và châu Á với hai mối quan tâm chủ yếu là vấn đề quản lý tài nguyên nước và những thách thức do sự gia tăng dân số gây ra.

Phát biểu về kết quả của nghiên cứu này, Giám đốc CPWF, Alain Vidal, cho biết: “Tuy tình trạng khan hiếm nước có thể trở thành vấn đề đối với hoạt động sản xuất lương thực ở một số khu vực, nhưng nhìn chung những lỗ hổng trong quản lý và sử dụng nước hiệu quả mới thực sự là vấn đề. Suy cho cùng, đây chính là một thách thức chính trị, chứ không liên quan đến tài nguyên”.

Thế giới vẫn có đủ lượng nước để đáp ứng nhu cầu của con người nếu được quản lý hiệu quả (Ảnh minh họa: Earthtimes.org)

Báo cáo cũng xác định rõ những khu vực nào sẽ được hưởng lợi lớn nhờ các biện pháp kỹ thuật quản lý nước cải tiến. Chẳng hạn, đối với khu vực châu Phi cận Sahara, Vidal cho rằng: “Một lượng nước mưa lớn đã bị mất đi hoặc chưa bao giờ được sử dụng ở khu vực trồng trọt sử dụng nước mưa tại vùng này. Chỉ cần vài cải tiến nhỏ, chúng ta sẽ có thể tạo ra lượng lương thực nhiều gấp 2 – 3 lần hiện nay”.

Châu Á cũng không nằm ngoài tình trạng trên. Quản lý nguồn nước thiếu hiệu quả tại lưu vực sông Ấn và sông Hằng cũng gây ra tổn thất tới 50% sản lượng nông nghiệp khi tiến hành so sánh sản lượng theo lý thuyết với sản lượng áp dụng những cải tiến.

Thêm nữa, CPWF còn nhận thấy rõ bước chuyển biến trong hoạt động nông nghiệp sử dụng nước mưa có thể có những ảnh hưởng mạnh mẽ đến vấn đề sản xuất lương thực của một quốc gia. Chương trình kiến nghị các chính phủ nên hành động để giải quyết vấn đề này và quan sát những bước tiến quan trọng trong một thời gian ngắn.

Riêng trường hợp Mê Kông, nơi gần 40 triệu dân sống phụ thuộc vào nghề cá, đã được coi là một ví dụ điển hình cho tính phức tạp của vấn đề quản lý nguồn nước. Mặc dù những thay đổi không phải là khó đạt được, song CPWF vẫn khuyến cáo rằng sự chuyển đổi không được phép bỏ qua mối tương tác phức tạp giữa nguồn cung nước, sinh kế và nguồn lương thực.