Chuyện “nhặt” ở Khu bảo tồn Loài và sinh cảnh Mù Cang Chải (kỳ 2)

Kỳ 2: Nghe kể chuyện “mót” pơ mu

ThienNhien.Net – Người xưa đã có câu “người Thái ăn theo nước, người Mông ăn theo sương mù”, câu nói đó không sai đối với đồng bào người Mông ở Tây Bắc. Ở hầu hết các ngọn núi cao, nơi nào quanh năm mây mù bao phủ là nơi đó đồng bào người Mông sinh sống. Vì thế, giữa núi rừng âm u, nơi “thâm sơn cùng cốc” quanh KBT Mù Cang Chải hàng ngàn người đang ngày đêm bám rừng mưu sinh. Một trong những công việc chính của họ là mót gỗ pơ mu đem bán.

Bản nghèo bám rừng ở chốn mù sương

Mù Cang Chải là một trong 62 huyện nghèo của cả nước. Trong những năm qua nhờ được Nhà nước quan tâm đầu tư phát triển kinh tế xã hội, cuộc sống của người dân đa phần đã được cải thiện nhưng vẫn ở mức nghèo so với bình quân đầu người ở nước ta.

Để tìm hiểu về cuộc sống của bà con sinh sống xung quanh KBT, chúng tôi đã vượt hơn 40km đường rừng núi từ thị trấn Mù Cang Chải đến hai thôn Xu Lông và Lả Khắt thuộc xã Nậm Khắt. Con đường bê tông rộng rãi ngoằn nghèo uốn lượn theo các khe suối men theo triền đồi đưa chúng tôi đến bản Lả Khắt, Xu Lông. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, gần như 100% người dân ở đây là bà con dân tộc Mông, rất ít người có thể giao tiếp bằng tiếng phổ thông và cũng gần 100% là hộ nghèo.

Được biết thôn Lả Khắt có trên 1.000ha rừng đặc dụng, hơn 450ha đất lâm nghiệp , 202ha đất nông nghiệp, do địa hình cao nên phần lớn diện tích đất ruộng là ruộng bậc thang. Vì thế, cuộc sống của người dân dựa vào rừng là chủ yếu. Trước đây người dân thường vào rừng lấy gỗ, săn bắn thú rừng. Song, từ khi thành lập KBT nhiều gia đình đã chuyển sang thu hái sơn tra (táo mèo) – loại cây thế mạnh ở một số huyện thuộc tỉnh Yên Bái.

Dân nghèo nên chỉ biết "bám rừng" mà sống, cây kinh tế chủ yếu nơi đây là cây táo mèo cũng không làm cuộc sống họ khá lên

Gặp hai người phụ nữ Mông đang ngồi thêu thùa trên đỉnh dốc cạnh tấm bảng ghi khẩu hiệu tuyên truyền bảo vệ rừng, chúng tôi có trao đổi với họ vài câu tiếng phổ thông những họ chỉ trả lời bằng những nụ cười tủm tỉm. Rồi vào gần chục nhà dân nữa nhưng vẫn chưa thể tìm được người nào có thể nói được tiếng phổ thông để trò chuyện.

Dành gần như cả buổi sáng lang thang ở bản nghèo Lả Khắt, chúng tôi may mắn gặp ông Hờ A Vù vừa vác một bao tải quả sơn tra, đang ngồi thở dốc. Tiếng Kinh của ông Vù bập bẹ nhưng cũng đủ để chúng tôi trò chuyện, ông cho biết: “Sắp vào mùa gặt rồi, bà con và mình tranh thủ vào rừng hái quả đem bán, loại quả này nó tự mọc trên rừng, không hái nhanh là nó rụng hết đấy”.

Chẳng mấy chốc, từ khắp các con đường mòn trong rừng, từng bao tải, từng gùi đầy ắp Sơn Tra được bà con vận chuyển ra đường rồi dùng xe máy chở ra đường lộ 32 bán cho các thương buôn với giá khoảng 13.000đ – 15.000đ/kg.

Về chiều, khi ra đến quốc lộ 32, gặp rất nhiều thương lái thu mua hai loại quả góp phần cải thiện đời sống cho bà con là sơn tra. Anh Nguyễn Văn Chính, một thương buôn quê ở huyện Yên Bình (Yên Bái) đánh hẳn xe tải lên mua sơn tra cho biết: “Mấy năm gần đây, năm nào vào mùa này tôi cũng lên đây thu mua sơn tra, có mùa tôi vận chuyển đến vài trăm tấn”

 “Nhặt” pơ mu ở Khu bảo tồn

Cũng trong chuyến vào bản Xu Lông, xã Nậm Khắt, chúng tôi tình cờ bắt gặp rất nhiều xe máy chằng buộc phía sau những khúc gỗ ngắn có màu vàng nhạt phóng vù vù ra trung tâm xã, không ít người khoác trên mình bộ quần áo truyền thống của người Mông lấm lem bùn đất vác búa rìu đi vào rừng.

Giả đò hỏi đường một thanh niên ngồi trên chiếc xe Win, đằng sau buộc một chiếc búa cùng rìu sáng bóng, qua trò truyện chúng tôi được biết, ở Xu Lông, phụ nữ thì làm việc nhà và vào rừng hái sơn tra, còn hầu hết đàn ông vào rừng mót gỗ pơ mu đem bán.

Dân "mót", "đào" được một ít gỗ Pơ mu như là một sự may mắn bởi thứ gỗ quý hiếm này đã hết

Được biết thôn Xu Lông cách rừng đặc dụng của KBT khoảng 3km, vậy mà anh thanh niên không nói rõ được tên mình bị chúng tôi chặn lại cho biết, để vào được rừng lấy được một khúc gỗ ra bán phải mất cả ngày đường, đi bộ qua cả chục quả núi, thậm chí sang cả đất huyện Mường La (Sơn La) mới có. Nhưng chủ yếu là đi mót cành, đào gốc của ngày xưa bà con khai thác còn sót lại, chứ không còn cây đứng mà chặt nữa.

Rừng không còn, gỗ pơ mu ngày càng hiếm, đến thời điểm này để kiếm được tiền trang trải cuộc sống bà con chỉ còn cách vác cuốc, búa rìu vào rừng đào những gốc pơ mu, hay những cành cây còn sót lại xẻ thành tứng khúc đem bán cho các cơ sở làm đồ thủ công mỹ nghệ trong xã. Gỗ pơ mu ngày xưa bán theo mét khối, bán cả khúc, cả cây thì nay gỗ pơ mu mót về họ bán theo kí. Những tấm ván gỗ pơ mu có chiều rộng khoảng 40 cm, dài 150cm, dày 3 – 5cm thì mỗi một phân (1cm) bán với giá 10.000đ. Như vậy chỉ cần một khúc vài chục kg hay một tấm ván mỏng họ đã có một số tiền kha khá bỏ túi.

Chính vì thế, mấy năm gần đây người dân đi mót pơ mu đem bán rất nhiều, chỉ đứng giữa thôn Xu Lông khoảng 30 phút, chúng tôi ghi nhận được hàng chục xe máy chở gỗ ra bán. Trong vai một người buôn gỗ từ Hà Nội lên, chúng tôi được dân bản giới thiệu đến gia đình anh Giàng A Của, con trai của trưởng bản Xu Lông trước đây. Giới thiệu với chúng tôi những thanh gỗ vừa mới vác ở trong rừng về, anh Của bảo: “Gỗ này mình lấy về làm nhà, còn chồng gỗ xếp ngoài hiên nhà nếu ai mua mình bán, tât cả đều là gỗ pơ mu cả đấy”.

Những đống gỗ Pơ mu còn lại tại một số hộ dân bản cũng sắp bị chủ nhân mang bán

Chúng tôi tỏ ý muốn mua một khối lượng lớn, khoảng vài xe tải, anh Của và một số người thấy có người đến tận thôn tìm mua gỗ tập trung lại. Rất nhiều người trong số họ cho biết: “Nếu mua nhiều phải đặt trước, cho biết kích cỡ, giờ rất khó để kiếm được cây to, chủ yếu là đi mót thôi, nhưng khoảng một tháng chắc cũng được đủ một xe tải. Điều quan trọng nhất là các anh mua phải có giấy tờ mới vận chuyển được”. Rồi họ hướng dẫn chúng tôi cách làm giấy tờ, thuê xe chở ở đâu, như thế nào.

Đi một vòng quanh thôn hầu như nhà nào cũng có một ít gỗ pơ mu để bán. Chiều về chúng tôi viện lý do gỗ không đủ kích cỡ nên không mua, và rời bản nghèo khi màn sương mù đang giăng kín các ngọn đồi phía xa.