Hướng dẫn thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013

ThienNhien.Net – Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 121/2011/TT-BTC hướng dẫn về thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013. Thông tư sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/10/2011.

(Ảnh minh họa: Chinhphu.vn)

Thông tư hướng dẫn, quy tắc, điều khoản, biểu phí do doanh nghiệp bảo hiểm xây dựng phải đảm bảo thể hiện rõ ràng, minh bạch quyền lợi có thể được bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, phạm vi và các rủi ro được bảo hiểm, quyền lợi và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm và người được bảo hiểm, trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, phương thức trả tiền bảo hiểm, các quy định giải quyết tranh chấp…

Phí bảo hiểm phải được xây dựng dựa trên số liệu thống kê, đảm bảo khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm và phải tương ứng với điều kiện và trách nhiệm bảo hiểm; Xác định rõ đơn vị bảo hiểm đối với từng đối tượng được bảo hiểm (cây lúa thực hiện bảo hiểm theo đơn vị huyện; vật nuôi, thủy sản thực hiện bảo hiểm theo từng xã, hộ nông dân, cá nhân hoặc tổ chức sản xuất nông nghiệp đáp ứng tiêu chí về quy mô theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mức miễn thường, cách thức cấp đơn bảo hiểm, cách thức xác định giá trị tổn thất và bồi thường bảo hiểm đối với từng loại hình bảo hiểm theo chỉ số và bảo hiểm truyền thống.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, thủ tục hợp lệ đăng ký triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp của doanh nghiệp bảo hiểm, Bộ Tài chính có văn bản trả lời về việc chấp thuận hoặc từ chối chấp thuận đề nghị của doanh nghiệp bảo hiểm.

Bộ Tài chính cũng yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm tham gia triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp có nhiệm vụ phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố và xác nhận các loại thiên tai (bão, lũ, lụt, hạn hán, rét đậm, rét hại, sương giá, xâm nhập mặn, sóng thần), dịch bệnh (đối với cây lúa: bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen, dịch rầy nâu; đối với trâu, bò: bệnh lở mồm long móng; đối với lợn: dịch tai xanh, bệnh lở mồm long móng; đối với gà, vịt: dịch cúm gia cầm; đối với cá tra: bệnh gan thận mủ; đối với tôm sú: bệnh đốm trắng, bệnh đầu vàng, bệnh teo và hoại tử gan tụy; đối với tôm thẻ chân trắng: bệnh đốm trắng, bệnh đầu vàng, bệnh hội chứng Taura, bệnh teo và hoại tử gan tụy) xảy ra trên địa bàn cụ thể của địa phương để làm cơ sở đánh giá rủi ro, giám định tổn thất và bồi thường bảo hiểm.

Theo hướng dẫn của Bảo hiểm Bảo Việt, để được bảo hiểm nông nghiệp, hộ nông dân sẽ kê khai mình thuộc đối tượng gì, hộ nghèo hay hộ sản xuất cá thể… Nông dân cũng phải kê khai về diện tích trồng trọt, số gia súc nuôi khi tham gia bảo hiểm.

Sau khi có đủ các thông tin trên, nông dân sẽ nộp cho đại diện doanh nghiệp bảo hiểm hoặc chính quyền cấp xã để được xác nhận. Sau đó, doanh nghiệp sẽ cấp giấy cho họ và làm các thủ tục cần thiết để thực hiện nộp phí bảo hiểm theo quy định của Bộ Tài chính. Cuối cùng mới là các thủ tục để hai bên doanh nghiệp và nông dân ký kết hợp đồng bảo hiểm.