Biến đổi khí hậu gia tăng các bệnh đường hô hấp

ThienNhien.Net – Thông qua tác động tới tầng ô-zôn mặt đất, biến đổi khí hậu đã và đang dẫn tới ngày càng nhiều ca bệnh về đường hô hấp, đồng thời làm gia tăng chi phí chữa bệnh của người dân, Hiệp hội các nhà khoa học – UCS (Mỹ) đưa ra lời cảnh báo.

Riêng ở Hoa Kỳ, theo nhóm môi trường Cambridge (bang Massachusetts), đến năm 2020, ảnh hưởng từ các tầng ô-zôn cao hơn có thể gây thêm 2,8 triệu ca bệnh nghiêm trọng liên quan đến đường hô hấp, làm mất thêm 944.000 ngày học ở quốc gia này, tương đương mức tổn thất 5,4 tỷ đô la.

“Ngay cả một sự thay đổi rất nhỏ ở tầng ô-zôn do tăng nhiệt cũng sẽ có tác động đáng kể đối với sức khỏe cộng đồng, tạo cơ hội cho chứng hen suyễn và các bệnh về đường hô hấp tấn công. Theo đó, các ca cấp cứu và trường hợp tử vong sớm sẽ ngày càng nhiều hơn” – Liz Perera, chuyên gia sức khỏe cộng đồng thuộc UCS, đồng tác giả báo cáo, khẳng định.

Thế giới đang phải đối mặt với ngày càng nhiều vấn đề sức khỏe liên quan đến tầng ô-zôn (Ảnh minh họa: Gabriel Bouys/AFP)

Qua nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu lên sức khỏe con người trên 10 bang của Hoa Kỳ tính đến năm 2020, đặt trong bối cảnh tầng ô-zôn ngày càng chịu tổn hại nghiêm trọng, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) cho biết, California sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, sau đó là Texas, New York, Pennsylvania, Illinois, Ohio, Michigan, North Carolina, New Jersey và Virginia. Đây đều là những bang có lượng dân thành thị, tỷ lệ thanh thiếu niên cũng như mức độ phát thải NO2 và VOC (các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi) từ phương tiện giao thông và các trạm phát điện cao. Một khi nhiệt độ trung bình nhích lên do biến đổi khí hậu sẽ thúc đẩy những tác nhân gây ô nhiễm ô-zôn ở các bang này trong một thời gian dài.

Mặc dù Đạo luật Không khí Sạch (CAA) của EPA đã phần nào giúp giảm thiểu các chất gây ô nhiễm cho tầng ô-zôn, nhưng nhiều hạt và bang của Mỹ vẫn chưa thể đáp ứng tiêu chuẩn về ô-zôn theo mức chung của toàn liên bang, đặc biệt là khi nhiệt độ trung bình của Hoa Kỳ đã tăng hơn 2oF (Fahrenheit) trong vòng 1 thế kỷ qua.

Ước tính, nếu tình trạng phát thải làm Trái đất nóng lên không sớm được chế ngự thì năm 2050, nhiệt độ trung bình của Hoa Kỳ có thể tăng từ 30 – 5,50F và sẽ có thêm khoảng 11,8 triệu ca bệnh nghiêm trọng liên quan đến đường hô hấp, trên 29.600 người ở lứa tuổi thanh thiếu niên phải nhập viện và 4,1 triệu ngày học bị bỏ lỡ.

Tuy nhiên, trường hợp lượng phát thải giảm xuống và thay vào đó nhiệt độ chỉ tăng từ 20 – 40F thì những tác động tiêu cực kể trên có thể giảm đi khoảng 70%.