Xây dựng mạng lưới trao đổi thông tin về TEEB tại Đông Nam Á

ThienNhien.Net – Đi từ phương hướng tiếp cận TEEB (Kinh tế học cho Đa dạng sinh học và Các hệ sinh thái và Nền kinh tế xanh) đến giải pháp ứng dụng sáng kiến này vào thực tiễn, Hội nghị Khu vực Đông Nam Á về Kinh tế học của Đa dạng sinh học và Các hệ sinh thái hướng tới Nền kinh tế xanh đã diễn ra trong hai ngày 28 – 29/6/2011 tại Hà Nội, với sự góp mặt của trên 130 đại biểu là các lãnh đạo, chuyên gia, các nhà hoạt động và các nhà báo trong và ngoài nước.

Bên cạnh những chủ đề xoay quanh sáng kiến TEEB như Tổng quan toàn cầu về TEEB và Kinh tế xanh, giá trị của các dịch vụ đa dạng sinh học (ĐDSH) và hệ sinh thái (HST) đối với đời sống con người và tăng trưởng, phát triển kinh tế ở Đông Nam Á, Hội nghị còn tập trung vào cách thức tính giá trị tài sản, định giá dịch vụ HST (WAVES) và vấn đề chi trả dịch vụ môi trường và HST, bồi hoàn ĐDSH…

Đặc biệt, Hội nghị dành khá nhiều thời gian để các đại biểu thảo luận, đóng góp ý kiến về các giải pháp áp dụng TEEB vào thực tế, nhất là việc chia sẻ lợi ích từ các dịch vụ môi trường và HST, phát huy vai trò của các “nhà kinh tế xanh” (green economists) trong lồng ghép các chiến lược ĐDSH và HST vào quá trình lập kế hoạch phát triển nền kinh tế khu vực.

Hội nghị Khu vực Đông Nam Á về Kinh tế học của Đa dạng sinh học và Các hệ sinh thái hướng tới Nền kinh tế xanh diễn ra hết sức sôi nổi với nhiều ý kiến trao đổi, đóng góp có giá trị không chỉ cho lãnh đạo, chuyên gia, nhà hoạt động ở các nước Đông Nam Á, mà còn cho nhiều quốc gia khác trên thế giới trong quá trình triển khai áp dụng sáng kiến TEEB

Hội nghị đã đem lại nhiều thông tin bổ ích không chỉ cho các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, các nhà hoạt động trong khu vực về tiến trình triển khai áp dụng sáng kiến TEEB, từng bước xây dựng nền tảng, phổ biến các kết quả nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm và phương pháp thực hiện nghiên cứu Kinh tế học của ĐDSH và các HST, cũng như xây dựng một mạng lưới trao đổi thông tin về Kinh tế học của ĐDSH và các HST trong khu vực.

Đồng tổ chức Hội nghị lần này là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) và Chương trình Sáng kiến Giảm nghèo – Môi trường của UNDP – UNEP tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.