Rừng nhiệt đới chưa hết nguy

ThienNhien.Net – Trong vòng 5 năm trở lại đây, diện tích rừng nhiệt đới được quản lý bền vững trên toàn thế giới tăng gần 5% so với giai đoạn trước, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc nạn phá rừng nhiệt đới ở các quốc gia có dấu hiệu thuyên giảm.

Sẽ tiếp tục bị phá ở mức độ báo động

Theo báo cáo mới được công bố bởi Tổ chức Gỗ Nhiệt đới Quốc tế (ITTO), diện tích rừng nhiệt đới được quản lý bền vững trên toàn thế giới trong giai đoạn 2005 – 2010 đã tăng lên mức xấp xỉ 10%, cao hơn 5% so với giai đoạn 2000 – 2005. Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng này chưa thể làm hài lòng giới bảo tồn bởi theo như cảnh báo của ITTO, rừng nhiệt đới sẽ còn tiếp tục bị phá ở mức độ báo động.

Điều đáng quan ngại là hiện còn tới hơn 90% diện tích rừng nhiệt đới đang bị quản lí kém hiệu quả, thậm chí không được ai quan tâm quản lí.

Thống kê của ITTO cho thấy, trong vòng 5 năm, diện tích rừng nhiệt đới tự nhiên ở châu Phi, châu Á – Thái Bình dương, châu Mỹ La tinh và Caribe tăng được 47%, từ 36 triệu ha lên 53 triệu ha, đồng thời diện tích rừng được quy hoạch cũng tăng 30%, đạt mức 131 triệu ha. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Emmanuel Ze Meka, Giám đốc điều hành ITTO, đây mới chỉ là sự tiến bộ mang tính đại diện, trong khi không ít quốc gia khác vẫn nằm trong vòng tụt hậu.

Ảnh minh họa: Mongabay

Nhập nhằng quyền sử dụng đất

“Việc sử dụng đất trong các khu rừng nhiệt đới vì mục đích sản xuất hay bảo tồn thì chúng ta cũng cần đảm bảo rằng nguồn lợi từ việc sử dụng đó sẽ được dùng để duy trì và cải tạo rừng” – Ducan Poore, một trong những tác giả của báo cáo nhấn mạnh. Tuy nhiên, quy định này trên thực tế chưa được thực hiện rõ ràng, nghiêm túc.

Việc giải quyết chưa thỏa đáng các vấn đề về quyền sử dụng đất sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến câu chuyện quản lý rừng. Nói cách khác, hiệu quả quản lý rừng bền vững sẽ không thể đem lại thành công nếu không giải quyết tốt các mâu thuẫn tranh chấp liên quan. Theo ITTO, trong khi Brazil và Ecuado đạt được không ít tiến bộ trong công tác này thì việc thực thi tại Châu Phi lại rất yếu.

Báo cáo cũng nhấn mạnh, mặc dù cộng đồng địa phương đóng vai trò quan trọng trong hoạt động quản lý rừng bền vững song nếu chỉ một mình điều đó thì chưa đủ. Các biện pháp trong khu vực và quốc tế cũng cần được bổ sung nhằm giúp giảm thiểu tối đa các hoạt động khai thác tài nguyên gây sức ép lên rừng, đồng thời hạn chế bớt tác động của biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, việc thực hiện cải cách ruộng đất và hỗ trợ lâm nghiệp cộng đồng cũng là điều không thể bỏ qua nhằm ngăn ngừa sự suy giảm diện tích rừng nhiệt đới vốn được dự báo trước.

Cần nâng cao các công cụ quản trị rừng

Không chỉ đề cập đến các vấn đề về diện tích hay quyền sử dụng đất, Báo cáo cũng xem xét đến một số xu hướng trong việc quản lý rừng hiện nay, bao gồm việc cấp Giấy chứng nhận các sản phẩm gỗ – được thực hiện bởi Hội đồng Quản lý rừng (FSC); rồi Cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái (PES); Chương trình Giảm phát thải do mất rừng và suy thoái rừng (REDD); và cả những quy định trong việc xuất khẩu gỗ (Đạo luật Lacey).

Báo cáo khẳng định, mỗi một xu hướng đều không đủ đảm bảo cho việc quản lý rừng được bền vững như mong muốn. Ducan Poore cho rằng, REDD tuy được xem là giải pháp đầy triển vọng cho vấn đề về quản lí rừng bền vững nhưng một mình REDD không thể trở thành động cơ tài chính giúp giữ vững các tiêu chuẩn về rừng ở một vài nước. Thay vào đó, REDD nên thúc đẩy việc hỗ trợ các sáng kiến tập trung vào việc sử dụng bền vững tài nguyên rừng nhiệt đới, bao gồm cả việc sản xuất gỗ nhiệt đới bền vững.