Nhật gắng tránh một Chernobyl thứ hai

ThienNhien.Net – Đất nhiễm phóng xạ tại các khu vực gần nhà máy hạt nhân Fukushima của Nhật Bản đã đạt mức nhiễm xạ tương đương với Chernobyl, nơi chỉ còn là “vùng đất chết” suốt 25 năm sau khi lò phản ứng ở Liên Xô cũ phát nổ. Và qua đo lường lượng phóng xạ thực tế mà các nhóm động, thực vật hoang dã bị phơi nhiễm, tuy mức độ nhiễm xạ không giống nhau, song rõ ràng ảnh hưởng khắc nghiệt của nó tới đời sống tự nhiên nơi đây là khó có thể phủ nhận.

Độ nhiễm xạ trong đất gia tăng

Ngày 24/5 vừa qua, báo cáo của Tomio Kawata thuộc Tổ chức Quản lý Chất thải Hạt nhân Nhật Bản, đã chính thức được xuất bản và gửi tới Chính phủ Nhật. Bản báo cáo nêu rõ, nghiên cứu mẫu đất ở các khu vực quanh nhà máy Fukushima Dai-Ichi thuộc Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) cho thấy, trong phạm vi khoảng 25km về phía tây bắc của nhà máy có một địa điểm nhiễm xạ từ Cesium-137 vượt quá 5 triệu bec-cơ-ren/1m2 và hơn 5 địa điểm cách Dai-Ichi 30km có độ nhiễm xạ quá 1,48 triệu bec-cơ-ren/1m2 – tiêu chuẩn được áp dụng để huy động tản cư sau thảm họa hạt nhân ở Chernobyl (Ukraina) năm 1986.

Tuy nhiên, kể từ khi xảy ra trận động đất, sóng thần ngày 11/3, Chính phủ Nhật Bản đã khoanh vùng một khu vực cấm trải dài 20km xung quanh nhà máy, nơi chỉ duy có Chính phủ Nhật và nhân viên TEPCO mới được phép ra vào nên nghiên cứu của Kawata không bao gồm các mẫu đất bên trong vùng cấm.

Các nhân viên cảnh sát trong bộ đồng phục bảo vệ đang tiến hành đo mức độ phóng xạ ở Minamisoma, quận Fukushima – một khu vực gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-Ichi (Ảnh: English.kyodonews.jp)

Khi được hỏi về báo cáo trên, phát ngôn viên của TEPCO, ông Tetsuya Terasawa, cho hay mức độ nhiễm xạ tại đây tương đương mức nhiễm xạ đo được sau một vụ thử bom hạt nhân.

Nhìn vào phạm vi nhiễm xạ hiện nay, các nhà khoa học cho rằng Chính phủ phải sớm vào cuộc để tránh “vết xe đổ” của Chernobyl.

Chỉ tính riêng trong tháng 4/2011, Chính phủ Nhật đã yêu cầu các thị trấn Katsurao và Namie tản cư do phát hiện vùng đất này có mức độ nhiễm xạ cao. Thời gian tới, Nhật Bản “cần nhanh chóng khôi phục đất nhiễm xạ, lâu nhất là trong 3 năm. Nếu kéo dài hơn, nhiều khả năng người dân quanh khu vực nhà máy Fukushima sẽ không còn thiết tha quay trở lại ngôi nhà của mình”, Tetsuo Iguchi, một chuyên gia phân tích chất đồng vị và dò tìm phóng xạ thuộc Đại học Nagoya miền trung Nhật Bản, khẳng định.

Phóng xạ đe dọa động, thực vật hoang dã

Một tháng sau thảm họa hạt nhân Fukushima Dai-Ichi, các nhà khoa học dự đoán mỗi ngày, cây cối, chim chóc và động vật có vú sống trong khu vực rừng gần nhà máy đều bị phơi nhiễm lượng phóng xạ gấp trên 100 lần; còn cá và tảo biển có thể bị phơi nhiễm gấp vài nghìn lần so với mức độ an toàn cho phép.

Các sinh vật sống dưới nước, giống như rong biển, bị ảnh hưởng vô cùng lớn bởi bụi phóng xạ từ vụ nổ tại nhà máy Fukushima (Ảnh: Noriko Hayashi/Greenpeace)

Sau khi tập trung đo lường các đồng vị phóng xạ trong đất và nước biển, nhóm nghiên cứu, gồm các nhà sinh thái học phóng xạ cùng với Cơ quan An toàn Hạt nhân và Chống Phóng xạ Pháp (ISRN) ở Cadarache, đã tiến hành sử dụng phần mềm ERICA (Rủi ro môi trường từ các chất gây ô nhiễm ion hóa) để tính lượng phơi nhiễm phóng xạ ở động, thực vật và nhận thấy rằng lượng phóng xạ mà cá bẹt, nhuyễn thể, loài giáp xác và rong biển nâu ngoài khơi Fukushima bị phơi nhiễm có thể làm tăng nguy cơ tử vong ở các sinh vật này.

Riêng đối với các loài sinh vật trên cạn có vẻ ít bị ảnh hưởng hơn. Tuy nhiên, liều lượng nhiễm xạ vẫn đủ cao để làm giảm khả năng sinh sản của chim, động vật gặm nhấm và các loài thực vật, đặc biệt là thông và vân sam.

Thomas Hinton, đồng tác giả của bản nghiên cứu, giải thích nguyên nhân nhiều loài trên cạn bị ảnh hưởng phơi nhiễm phóng xạ tương đối nhẹ vì thảm họa xảy ra vào đầu mùa hoa nở. Ông cho rằng nếu rơi vào giữa mùa xuân thì hẳn là tác động tiêu cực của nó sẽ cực kỳ lớn, nhất là đối với thực vật.

Ông cũng nhấn mạnh các tác động phóng xạ đối với việc đẻ trứng và sự sống của những cá thể động vật có vú mới sinh cần phải sớm được khảo sát.

Giải nguy Fukushima nhìn từ hình mẫu Belarus

Từ những năm 1980, khi khoa học – kỹ thuật có bước tiến mới, con người đã có thể dùng hóa chất hoặc trồng trọt để khử đất nhiễm xạ, đưa người dân trở lại nơi cư trú trước đây.

Belarus, nơi hứng chịu 80% bụi phóng xạ từ vụ nổ Chernobyl, có khoảng 20% dân số bị ảnh hưởng và 23% diện tích đất bị nhiễm xạ, đã cân nhắc áp dụng giải pháp trồng cấy với hy vọng thóc lúa được thu hoạch từ các khu vực nhiễm xạ có thể được dùng làm nhiên liệu sinh học. Giải pháp đó dựa trên cơ sở một nghiên cứu chứng minh rằng các nguyên tố phóng xạ không chuyển được vào nhiên liệu sinh học và điều này sẽ giúp Belarus trở thành nhà cung cấp nhiên liệu sinh học chính, giúp giảm bớt lượng tiêu thụ khí đốt ở các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU).

Giờ đây, đặt chân tới Belarus, người ta đã thấy hình ảnh những con bò thong dong “tản bộ” và sự sống đang bừng lên trên mảnh đất từng bị nhiễm xạ nặng nề. Đây có thể coi là hình mẫu lý tưởng trong việc khôi phục các khu vực nhiễm xạ do nổ hạt nhân.

Trên thực tế, việc khử đất nhiễm xạ ở Nhật Bản còn cần kíp hơn Belarus, nơi có mật độ dân số thấp hơn Nhật Bản tới trên 7 lần. Đối với trường hợp Fukushima, Chính phủ Nhật có thể “trị liệu” đất bằng hóa chất, cho phép xezi hấp thụ vào trong các tinh thể xốp như zeolite, vốn dễ quan sát và khử bỏ hơn – Iguchi của Đại học Nagoya đưa ra khuyến nghị.

Trước mắt, TEPCO hy vọng sẽ giảm được mức độ phóng xạ tại khu vực nhà máy trong vòng 3 tháng. Cơ hội để Tepco đạt được mục tiêu này, theo William Ostendorff, một thành viên của Ủy ban Quản lý Hạt nhân Hoa Kỳ (US.NRC), có thể lên tới 60 – 70%.

Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật cũng đang gấp rút chuẩn bị một chương trình giám sát môi trường với sự góp mặt của khoảng 300 chuyên gia trên khắp đất nước. Nick Beresford, một nhà sinh thái học phóng xạ thuộc Trung tâm Sinh thái học và Thủy văn tại Lancaster (Anh quốc), cho rằng “chương trình càng được vận hành sớm chừng nào, càng phát huy tác dụng tốt chừng ấy”.