20 “ngôi sao” của thế giới hoang dã

ThienNhien.Net – Nhân kỷ niệm 20 năm Chương trình đánh giá nhanh (Rapid Assessment Programme – RAP) về sinh thái học vì mục đích thúc đẩy bảo tồn và bảo vệ đa dạng sinh học, Tổ chức Bảo tồn Quốc tế (Coservation InternationalCI) đã vinh danh 20 “ngôi sao” trong lịch sử chương trình do chính các nhà khoa học, nhà nghiên cứu của CI khám phá, phát hiện ra. Đây được coi là những loài động vật đặc sắc nhất vì chúng có hình dạng và màu sắc cơ thể kỳ lạ, độc đáo, đại diện cho từng nhóm sinh vật, từ côn trùng cho tới lưỡng cư, từ chim cho tới động vật có vú…

1. Chuồn chuồn kim Platycypha eliseva

Loài chuồn chuồn kim Platycypha eliseva được phát hiện thấy trong một cuộc khảo sát của RAP ở Cộng hòa Dân chủ Congo năm 2004. Sự kết hợp màu sắc trên cơ thể những con đực thuộc họ chuồn chuồn này là độc nhất vô nhị, không giống bất cứ loại chuồn chuồn nào trên thế giới.

2. Tắc kè đuôi lá Uroplatus phantasticus

Uroplatus phantasticus, loài tắc kè đuôi lá được tìm thấy trong cuộc khảo sát năm 1998 tại hành lang Mantadia – Zahamena thuộc Madagascar. Đây là sinh vật đặc hữu của Madagascar, đồng thời cũng là loài nhỏ nhất trong 12 loài tắc kè đuôi lá có vẻ ngoài kỳ quái chuyên sống trên cây và hoạt động về đêm. Con người chỉ có thể tìm được chúng trong những khu rừng nguyên sinh, chưa bị tàn phá. Năm 2004, WWF đã liệt tắc kè Uroplatus phantasticus vào danh sách các loài động vật bị đe dọa bởi nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã cần được giải cứu nhất.

3. Chim ăn mật

Loài chim ăn mật mới được khám phá trong chuyến thám hiểm vùng núi Foja thuộc địa phận tỉnh Papua (Indonesia) trên đảo New Guinea năm 2005. Con chim màu xám đen này có cái mỏ đen, mỗi bên mắt lại được bao bởi một đường viền da màu vàng đỏ. Đặc trưng ấy không xuất hiện ở bất kỳ loài chim ăn mật nào khác.

4. Cá hàng chài Paracheilinus nursalim

Cá hàng chài, Paracheilinus nursalim, được tìm ra ở phía tây Papua (Indonesia) năm 2006. Điểm đặc biệt của loài này là cách thức con đực tán tỉnh, ve vãn con cái bằng những vũ điệu riêng, nhất là cách sử dụng màu sắc chói sáng trên cơ thể chúng. Vũ điệu tán tỉnh diễn ra vào buổi chiều, khoảng 1 tiếng trước khi mặt trời lặn và kéo dài tới tận khi trời nhá nhem tối.

5. Chuột cây Cuscomys ashaninka

Chuột cây, Cuscomys ashaninka, xuất hiện ở khu vực núi Vilcabamba (Peru), gần kề khu phế tích nổi tiếng Macchu Picchu. Giống chuột sóc mới nói trên có bộ lông hơi xám, vóc dáng chắc nịch và nhiều vuốt lớn, chạy dọc trên đầu là một dải sọc trắng. Chuột Cuscomys ashaninka có họ hàng với loài chuột sóc.

6. Châu chấu Brachyamytta rapidoaestima

Các nhà khoa học phát hiện ra châu chấu Brachyamytta rapidoaestima trong một cuộc khảo sát tại Ghana và Guinea. Loài động vật ăn thịt này chuyên săn mồi theo kiểu ẩn mình ở dưới những chiếc lá và rình rập, tấn công những con côn trùng nhỏ vô tình “hạ cánh” trên lá. Châu chấu đực liên lạc với con cái bằng cách phát các bài hát theo sóng âm mà con người không thể nghe được.

7. Nhện ăn chim Theraphosa blondi

Nhện ăn chim Goliath, Theraphosa blondi, được giới khoa học đánh giá là loài nhện lớn nhất thế giới. Trọng lượng của nó đạt tới 170g, còn chân của nó có thể dài tới 30cm. Nhện Goliath sống trong những cái hang trên nền rừng mưa nhiệt đới thấp. Răng nó chứa nọc độc nhưng không gây chết người. Phương thức tấn công chính của nhện Goliath ăn chim là cọ chân vào bụng kẻ thù khiến hàng loạt gai nhỏ đâm vào da và màng nhầy của kẻ tấn công nó.

8. Cá mập đi bộ Hemiscyllium galei

Cá mập đi bộ bằng vây, Hemiscyllium galei, được tìm thấy ở vịnh Cenderawasih (Indonesia) năm 2006. Loài cá mập này có thể bơi nhưng chúng thích dạo bộ dọc các rạn san hô bằng vây của chúng và săn tôm, cua, ốc sên cùng một số loài cá nhỏ.

9. Dơi mũi ống

Mặc dù đã được thấy từ trước đó, song loài dơi mũi ống được phát hiện năm 2009 ở vùng núi Muller (Papua New Guinea) vẫn là loài chưa được mô tả và đặt tên. Chúng có thể dễ dàng gây sự chú ý nhờ đôi lỗ mũi hình ống kỳ lạ cùng những sọc vằn trên lưng. Loài này cũng được tìm thấy ở một số khu vực khác của New Guinea.

10. Kiến hổ Strumigenys tigris

Kiến hổ, Strumigenys tigris, tất nhiên không to lớn như loài hổ, nhưng nó lại là nỗi khiếp sợ đối với các loài không xương sống nhỏ hay quanh quẩn ở những đám lá rụng trong các rừng mưa thuộc đất nước Papua New Guinea. Khi đi kiếm ăn, loài kiến này (dài khoảng 2mm) luôn mở rộng hàm dưới để có thể bắt được con mồi chỉ với một cú đớp nhanh gọn. Màu sắc trên cơ thể kiến Strumigenys tigris khá đẹp mắt và rất hợp màu với những khúc gỗ mục nát mà nó làm tổ.

11. Cá lau kính Pseudancistrus kwinti

Cá lau kính, Pseudancistrus kwinti, được phát hiện trong cuộc khảo sát ở Suriname năm 2005. Tên của loài cá này được các nhà khoa học đặt theo tên của người Kwinti sống dọc theo hạ lưu sông Coppename. Cái miệng đặc biệt của cá lau kính cho phép chúng bắt mồi ngay tại nơi trú ẩn, thậm chí là ở những vùng nước chảy xiết. Thức ăn ưa thích của cá lau kính là tảo, các loài không xương sống… Chúng có thể thay đổi luân phiên hàm trên và hàm dưới để lấy tảo từ các khối đá.

12. Ếch cây mũi dài Litoria sp. nov

Năm 2008, các nhà nghiên cứu đã khám phá ra loài ếch cây mũi dài, Litoria sp. nov, tại vùng núi Foja thuộc tỉnh Papua (Indonesia). Mũi của ếch đực Litoria sp. nov phồng và hướng lên khi gọi đồng loại, xẹp và hướng xuống nếu ít vận động.

13. Nhện Ricinoides atewa

Đây là một con nhện Atewa, Ricinoides atewa, thuộc lớp chân đốt cũ nhưng lại là loài mới đối với giới khoa học, được tìm thấy trong cuộc thám hiểm Khu Bảo tồn Rừng thuộc dãy Atewa (Ghana) năm 2006. Sinh vật nhỏ bé kỳ lạ này trông như một sự kết hợp giữa nhện và cua. Cơ quan sinh sản của nhện đực nằm trên chân của chúng. Hiện nhện Ricinoides atewa chỉ xuất hiện ở khu vực Nam, Trung và Tây Phi. Chúng có thể đạt tới chiều dài khoảng 11mm và ăn mối cùng các ấu trùng kiến.

14. Châu chấu voi Pterochroza ocellata

Châu chấu voi (Pterochroza ocellata) – một loài côn trùng lớn ở rừng mưa – được ghi nhận trong chuyến thám hiểm vùng núi Acarai (Guyana) vào năm 2006. Nó có hai cơ chế phòng vệ hiệu quả: hoặc là tự ngụy trang để kẻ thù nhìn thoáng qua tưởng nó chỉ là một chiếc lá úa; còn trong trường hợp bị đe dọa, nó sẽ lộ ra cặp đốm sáng giống con mắt và bắt đầu nhảy loạn xạ khiến kẻ thù có cảm giác như thể một cái đầu chim khổng lồ đang mổ chúng. Tiếng gọi bạn tình của con châu chấu đực rất lớn, song vì đó là sóng âm nên loài người khó lòng nghe thấy được.

15. Chim rồng rộc Malimbus ballmanni

Chim Malimbus ballmanni được khám phá trong khu rừng Diecke ở phía đông nam Guinea năm 2003. Trước đó, người ta thường nghĩ rằng chúng chỉ có ở phía đông Sierra Leone (Liberia) và phía tây bờ biển Ivory. Hiện các nhà khoa học đang tìm hiểu nhu cầu sinh thái của loài chim này để đi tới lý giải vì sao nó chỉ sinh sống ở một phần rừng nhỏ bé như vậy.

16. Kiến lưỡi câu Polyrhachis bihamata

Trong cuộc khảo sát năm 2007 ở Công viên Quốc gia Virachey (Campuchia), các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra loài kiến lưỡi câu (có chiều dài 1,5cm), Polyrhachis bihamata. Những cái gai cong cong của nó có thể dễ dàng xuyên qua và cắm một lúc trên da kẻ thù. Kiến lưỡi câu sống thành từng đàn lớn tại những cái tổ được “xây” trên những thân cây mục nát trong rừng. Khi bị tấn công, chúng sẽ hợp sức nhau lại chống trả kẻ săn mồi.

17. Kỳ giông mắt lồi Bolitoglossa sp. nov

Kỳ giông mắt lồi, Bolitoglossa sp. nov, được tìm thấy ở phía nam Ecuador năm 2009. Chân của giống kỳ giông này có màng giúp chúng leo lên những vòm lá cao sâu trong những khu rừng nhiệt đới. Chúng không có phổi và hô hấp qua da.

18. Bọ cạp hoàng đế Pandinus imperator

Các nhà khoa học tìm được loài bọ cạp hoàng đế, Pandinus imperator, ở Atewa (Ghana) vào năm 2006. Với chiều dài cơ thể lên tới hơn 20cm, nó xứng đáng là một trong những loài bọ cạp lớn nhất thế giới. Mặc dù thân hình to lớn, song nó chỉ ăn mối và những động vật không xương sống nhỏ. Nọc độc của bọ cạp hoàng đế không gây nhiều nguy hiểm đối với con người.

19. Gián Simandoa conserfariam

Gián Simandoa conserfariam xuất hiện tại một hang động thuộc dãy Simandoa (Guinea) và được CI khám phá ra năm 2002.  Món khoái khẩu của loài côn trùng này là phân của những con dơi ăn quả lớn sống trong động, giúp “tái chế” chất dinh dưỡng còn lại trong đó.

20. Ếch cây Nyctimystes sp.

Ếch cây Nyctimystes sp. dài trên 15cm với đôi mắt “khổng lồ” được phát hiện ở ngay bên cạnh một con sông chảy qua núi trong chuyến thám hiểm miền cao nguyên hoang dã thuộc địa phận Papua New Guinea năm 2008. Ếch cây Nyctimystes sp. nằm trong nhóm ếch mà trên mí mắt có hình kỳ lạ giống như gân lá. Khi còn là nòng nọc, chúng có cái miệng như một giác mút lớn cho phép chúng dễ dàng lấy thức ăn từ những phiến đá nổi bên trên dòng nước đang chảy xiết.