Đinh hướng cho Kỷ nguyên Đa dạng sinh học

ThienNhien.Net – Nhằm giới thiệu Kế hoạch chiến lược đa dạng sinh học giai đoạn 2011- 2020 và kết quả cuộc họp các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học (COP 10), hội thảo “Kỷ nguyên Liên Hợp Quốc về Đa dạng sinh học 2011-2020” do Tổng cục Môi trường tổ chức đã diễn ra chiều 17/03, tại Hà Nội.

Ông Ahmed Djoghlaf, Tổng thư ký Công ước Đa dạng sinh học cho biết, muc tiêu của Kỷ nguyên Đa dạng sinh học 2011-2020 nhằm đảm bảo mọi người dân trên thế giới nhận thức được các giá trị đa dạng sinh học trên thế giới, từ đó sử dụng một cách bền vững tài nguyên thiên nhiên.

Cũng theo ông Ahmed Djoghlaf, Báo cáo Triển vọng Đa dạng sinh học toàn cầu lần thứ 3 (GBO-3) được ban hành là một công cụ nhằm thông báo với các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng về tình trạng đa dạng sinh học năm 2010, những hệ quả của xu hướng hiện tại và sự lựa chọn cho tương lai. Trong đó, muc tiêu đến năm 2010 giảm thiểu đáng kể tỷ lệ mất đa dạng sinh học ở mức độ toàn cầu, khu vực và quốc gia, được các Chính phủ nhất trí vào năm 2002 đã không đạt được.

Nguyên nhân của vấn đề này được phần lớn các nước thành viên cho rằng là do mất nơi cư trú, sử dụng không bền vững và khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu, sinh vật ngoại lai xâm hại và ô nhiễm.

Quan trọng hơn, các đại biểu đã tập trung thảo luận vấn đề ưu tiên của Công ước Đa dang sinh học và định hướng của Việt Nam; các vấn đề “nóng” cho bảo tồn, quy hoạch đa dạng sinh học, tiếp cận, chia sẻ lợi ích nguồn gen…

Theo đó, Tiến sỹ Phạm Anh Cường, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học đã nhấn mạnh mục tiêu của hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam đến năm 2020 là giảm đáng kể các áp lực trực tiếp lên đa dạng sinh học nhằm bảo tồn, phục hồi và sử dụng hợp lý các hệ sinh thái, các loài sinh vật và nguồn gen.

Các loài động thực vật nguy cấp, quý hiếm cần được bảo vệ và phát triển, hệ thống khu bảo tồn (rừng, biển, đất ngập nước) được thiết lập và quản lý hiệu quả, nhất là nguồn gen được kiểm kê, lưu giữ, bảo tồn. Đặc biệt, hoạt động đa dạng sinh học cần phải huy động được sự tham gia của cộng đồng và các tổ chức chính trị xã hội tại các địa phương.

Cũng tại hội thảo, Tiến sỹ Phạm Anh Cường đã thông báo kết quả Hội nghị Các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học lần thứ 10 (COP10) diễn ra tại thành phố Nagoya, miền Trung Nhật Bản hồi tháng 10/2010. Thông tin từ hội nghị này cho biết, môi trường tự nhiên đang gặp nguy hiểm nghiêm trọng, do đó các quốc gia thành viên cần thỏa thuận tiến tới một mục tiêu toàn cầu nhằm bảo tồn và phục hồi đa dạng sinh học, mà cụ thể sẽ phục hồi ít nhất 15% các khu vực bị suy thoái, 17% các khu vực trên cạn, vùng nước nội địa, 10% khu vực biển và ven biển được bảo tồn và quản lý thích đáng.

Một số kết quả cuộc họp COP10:
– 16.000 đại biểu tham dự từ các nước tham gia Công ước, các chính phủ khác, các cơ quan của Liên hợp quốc, liên chính phủ, phi chính phủ, các tổ chức quốc tế.
– Mục tiêu của Nghị định thư Nagoya là sự chia sẻ công bằng và hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen, từ việc tiếp cận thích hợp nguồn gen và chuyển giao công nghệ phù hợp, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và sử dụng bền vững đa dạng sinh học.
– Kế hoạch chiến lược của Công ước Đa dạng sinh học giai đoạn 2011-2020 với 20 mục tiêu chính chia thành 5 nhóm mục tiêu chiến lược nhằm giải quyết các nguyên nhân chính gây mất đa dạng sinh học, giám sát đa dạng sinh học, tăng cường lợi ích do đa dạng sinh học cung cấp và tăng cường năng lực.
– Chiến lược huy động nguồn lực của Công ước Đa dạng sinh học : Quỹ môi trường toàn cầu GEF vẫn là kênh hỗ trợ tài chính lớn nhất của Công ước.
– Chương trình hoạt động dài hạn của Công ước ( 2011-2020): rà soát, triển khai, đẩy mạnh việc tăng cường hỗ trợ thực hiện kế hoạch chiến lược, tăng cường hỗ trợ nghiên cứu các biện pháp hệ sinh thái, quan trắc đa dạng sinh học…..
– Diễn đàn liên chính phủ về Đa dạng sinh học và Dịch vụ hệ sinh thái – IPBES nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến việc mất đa dạng sinh học, suy thoái hệ sinh thái và các chức năng sinh thái cũng như ảnh hưởng của việc này đối với sự thịnh vượng của loài người.
– Báo cáo quốc gia lần thứ 5 cho Công ước Đa dạng sinh học; các bên tham gia được yêu cầu xây dựng báo cáo theo hướng dẫn và trình báo quốc gia lần 5 lên Công ước đa dạng sinh học trước ngày 31/03/2014.
– Thập kỷ đa dạng sinh học 2011-2020 nhằm khẳng định quyết tâm đạt được những mục tiêu thiên nhiên kỷ cũng như đảm bảo việc triển khai toàn diện Công ước Đa dạng sinh học, nhấn mạnh tầm quan trọng của nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học.
– Hệ thống khu bảo tồn; củng cố và phát triển khu bảo tồn quốc gia, tăng cường năng lực tài chính và kỹ thuật quản lý hiệu quả khu bảo tồn….