Thiên địch – những “chiến binh” thầm lặng

ThienNhien.Net – Thiên địch là những loài sinh vật có khả năng tiêu diệt một hoặc nhiều loài sinh vật thường gây hại khác đối với cuộc sống con người. Ở đây chúng ta chỉ nói đến thiên địch là những loài ăn thịt và ký sinh với những đóng góp quan trọng của chúng trong đời sống nhân loại trên khắp hành tinh, mà thường ngày ít được chúng ta biết đến.


Trước hết, xin đề cập đến loài chim sẻ. Tuy không phải là thành phần loài số một trong danh sách thiên địch đáng được biểu dương về vai trò diệt trừ sâu bệnh. Nhưng chim sẻ là loài vật của lịch sử – một minh chứng đắt giá của lịch sử nhân loại, nhất là với đất nước Trung Hoa rộng lớn.

Cách đây khoảng 50 năm (từ năm 1958 đến 1962), Trung Quốc liệt chim sẻ vào danh sách phải tiêu diệt vì cho rằng chúng ăn thóc lúa, gây tổn thất cho sản xuất nông nghiệp.Chiến dịch tìm diệt chim sẻ đã được chính phủ Trung Quốc phát động cùng góp sức vào kế hoạch “đại nhảy vọt” của đất nước.

Nhưng họ đã không nghĩ rằng chim sẻ ăn sâu bọ nhiều hơn rất nhiều so với ăn thóc. Nên sau khi hàng triệu con chim sẻ bị tiêu diệt cũng là lúc sâu bọ, đặc biệt là châu chấu tràn ngập ruộng đồng, bùng nổ ngoài tầm kiểm soát. Và kết quả là mất mùa lớn. Trung Quốc đã phải chứng kiến một nạn đói khủng khiếp với hàng chục triệu người bị chết.

Các loài động vật như: Chim: Ngoài chim sẻ ra, hầu hết các loài chim nhỏ đều là hắc tinh của sâu bọ. Bò sát: Rắn bắt chuột; thằn lằn, tắc kè đều là những tay thợ săn sâu bọ rất cừ khôi. Ếch nhái: Ếch, nhái, cóc đều là những kẻ phàm ăn. Hàng ngày chúng ngốn một lượng lớn thức ăn, chủ yếu là sâu bọ. Còn nhớ cách đây khoảng hơn chục năm, sâu hại đã hoành hành ghê gớm vì loài ếch vắng bóng trên đồng ruộng do bị săn lùng bán sang Trung Quốc.

Trong thế giới côn trùng có:

Nhện: Các loài nhện ăn thịt, nhện lùn, nhện nhảy, nhện lưới, nhện linh miêu… đều ăn sâu bọ. Sống trên cạn hay dưới nước, nhện đều rất giỏi trong việc săn mồi là các loài sâu bọ, côn trùng khác. Một nhện trưởng thành có thể ăn tới 15 con mồi mỗi ngày.

Bọ xít: Trong họ hàng loài gây hại này vẫn có một số ít có ích đối với cây trồng, đó là bọ xít mù xanh, chúng thường dùng vòi để hút trứng và tiêu diệt rầy hại lúa hoặc bọ xít nước có thể ăn tới 10 con rầy mỗi ngày.

Bọ rùa: Có cơ thể nhỏ chừng nửa hạt đậu xanh. Ấu trùng cũng như bọ rùa trưởng thành đều ăn rầy nâu (từ trứng, rầy nâu non cho đến rầy nâu trưởng thành). Mỗi ngày, một con bọ rừ có thể ăn từ 5-10 con rầy.

Ong ký sinh: Có thể kể đến các loài ong ký sinh như: Ông kén nhỏ, ong đen, ong xanh mắt đỏ. Chúng đẻ trứng vào trứng hoặc sâu non. Sau đó trứng ong sẽ phát triển, phá huỷ vật ký sinh. Một ngày một con ong có thể đẻ được vài chục trứng.

Cần phải nói thêm về một loài ong ký sinh nữa là ong đa phôi ký sinh sâu cuốn lá. Loài ong này đẻ một trứng vào trứng của sâu cuốn lá. Nhưng một quả trứng ong ban đầu này nhanh chóng phân chia thành nhiều trứng, có thể nở thành hơn 200 con ong.

Kiến: Trên trái đất này, ở đâu có sinh vật thì ở đó có kiến. Hầu hết các loài kiến đều ăn thịt, và món ăn ưa thích là các loài sâu bọ.

Chuồn chuồn: Có rất nhiều loài chuồn. Chúng có thể bắt mồi ở trên không, hoặc bổ nhào xuống như máy bay trực thăng. Thức ăn của chuồn chuồn đa phần là côn trùng, sâu bọ. Trước sự tấn công của “không lực chuồn chuồn” thì khó có kẻ nào thoát được.

Muồm muỗm: Trông gần giống châu chấu, cào cào nhưng chúng không ăn thực vật… Chúng thường hoạt động mạnh về đêm và thức ăn ưa thích của chúng là sâu đục thân, bọ rầy lá và bọ rầy thân.

Bọ ngựa: Đây là một trong những loài săn mồi hảo hạng, có lẽ chúng ít khi về không khi vác những “thanh kiếm” răng cưa sắc nhọn đi kiếm mồi, nạn nhân là những loài sâu bọ gây hại cho lúa cũng như cây trồng nông nghiệp.