Suy thoái nghiêm trọng quần thể sinh vật nhiệt đới

ThienNhien.Net – Báo cáo “Sức sống Hành tinh 2010” vừa được Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) công bố mới đây đã đưa ra những con số đáng báo động liên quan đến “sức khỏe” của hệ sinh thái trên toàn hành tinh. Theo đó, tốc độ suy thoái của các chỉ số như tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, đặc biệt là số lượng quần thể sinh vật nhiệt đới… đều đang ở mức cực kỳ nghiêm trọng.


Trái với sự phục hồi và duy trì của các loài sinh vật ôn đới, số lượng sinh vật nhiệt đới lại suy giảm nhiều, có nơi cá biệt xuống tới 70%; sự đa dạng sinh học cũng bị suy thoái nặng nề ở các nước có thu nhập thấp với mức suy giảm gần 60% trong gần 40 năm. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng tài nguyên thiên nhiên của con người không ngừng dừng lại, hiện đã tăng gấp đôi kể từ năm 1966 và cao hơn 50% so với khả năng của trái đất có thể chịu được. Dự tính, nếu tiếp tục lạm dụng tài nguyên theo kiểu này thì đến năm 2030, phải cần đến 2 hành tinh tương tự như trái đất mới mong đáp ứng đủ nhu cầu nhân loại.

WWF nhận định, các-bon là thủ phạm chính gây nên sự suy thoái hệ sinh thái trên hành tinh. Trong 5 thập kỷ qua, lượng phát thải các-bon đã tăng gấp 11 lần. Theo thống kê, 10 quốc gia đứng đầu về lượng phát thải các-bon bình quân trên đầu người hiện nay là các nước thuộc Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Qatar, Đan Mạch, Bỉ, Mỹ, Estonia, Canada, Úc, Kuwait và Ireland.