Phơi nhiễm bức xạ y tế

ThienNhien.Net – Báo cáo mới đây của Ủy ban Khoa học về bức xạ nguyên tử Liên Hiệp Quốc (UNSCEAR) đã chỉ ra rằng, việc sử dụng bức xạ trong ngành y tế giải thích cho hầu hết các trường hợp con người phơi nhiễm với bức xạ ion hóa.


Theo Báo cáo trên, việc phơi nhiễm bức xạ y tế với cường độ cao có thể gây tổn hại các mô cơ thể, dẫn đến tử vong. Kéo dài thời gian phơi nhiễm ở mức độ thấp hơn cũng gắn liền với việc làm tăng nguy cơ suy giảm sức khỏe.

Bức xạ trong y tế được áp dụng tại những nước có nền y học phát triển, nơi mà phơi nhiễm trung bình trong y tế bằng 80% so với các nguồn từ tự nhiên. Việc phơi nhiễm từ nguồn bức xạ tự nhiên bao gồm việc hít thở khí phóng xạ radon ngoài tự nhiên – chất khí chiếm một nửa nguy cơ phơi nhiễm so với các nguồn bức xạ tự nhiên khác; bức xạ vũ trụ; uống nước hay ăn thức ăn có chứa nguyên tố phóng xạ; sự chiếu xạ bên ngoài của các nguyên tố phóng xạ có trong đất.

Phát hiện này được đưa ra dựa trên những dữ liệu thu thập từ năm 1997 đến 2007. Theo đó, có khoảng 3,6 tỷ lượt khám chữa bệnh sử dụng tia X được thực hiện mỗi năm, tăng hơn 40% (tương đương 1,1 tỷ lượt khám) so với 10 năm trước đó.

Báo cáo cũng cho biết, một trong những thay đổi lớn nhất trong thập kỷ vừa qua là sự gia tăng đột biến tỷ lệ phơi nhiễm y tế. Tại Mỹ, từ năm 1980 đến 2006, phơi nhiễm y tế tăng lên đến mức có thể so sánh với phơi nhiễm cơ bản trong tự nhiên. Trong đó, phương pháp chụp cắt lớp (CT), chẩn đoán X-quang, y học hạt nhân là những tác nhân chính, đóng góp phần lớn vào phơi nhiễm y tế của đất nước này.

Tại một số quốc gia khác, phơi nhiễm y tế gần như thế chỗ hoàn toàn các nguồn bức xạ tự nhiên.

Cũng theo Báo cáo của UNSCEAR, có bốn mức độ chăm sóc sức khỏe được xác định ở các quốc gia hiện nay dựa trên số lượng thầy thuốc tính theo đầu người và các cuộc khám bệnh bằng tia X. Theo đó, các nước ở mức độ 1 có chỉ số cao hơn 65 lần so với các quốc gia ở mức độ 3 và 4 – nơi có tỷ lệ thầy thuốc tính theo đầu người và thăm khám bằng tia X thấp nhất.

Ngoài phơi nhiễm bức xạ y tế, nguy cơ phơi nhiễm nhân tạo còn nảy sinh từ một số nguồn như thử nghiệm vũ khí hạt nhân; qua tiếp xúc nghề nghiệp bao gồm: khai thác mỏ, phát điện và xử lý chất thải…