Phát hiện một loài rắn mới ở Kon Tum

ThienNhien.Net – Mới đây, một loài mới thuộc giống rắn mai gầm Calamaria vừa được công bố phát hiện dựa vào mẫu chuẩn thu được ở khu vực rừng Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Loài rắn mới có tên là Rắn mai gầm sáng <i>Calamaria sangi</i> Nguyen, Koch & Ziegler, 2010. Mẫu chuẩn của loài này được thu thập trong chuyến khảo sát về đa dạng sinh học tại tỉnh Kon Tum năm 2001 với sự tài trợ của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) Đông Dương.


Loài rắn được đặt tên theo TS. Nguyễn Văn Sáng (Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật), nhằm ghi nhận những đóng góp của ông cho nghiên cứu bò sát và ếch nhái ở Việt Nam nói chung và về rắn nói riêng.

Loài Rắn mai gầm sáng có đặc điểm hình thái sau: có một vảy trước ổ mắt; 4 vảy môi trên trong đó vảy thứ hai và ba tiếp xúc ổ mắt; 9 răng hàm trên; 4-5 vảy môi dưới; 13 hàng vảy quanh thân; 192 hàng vảy bụng; 19 vảy dưới đuôi xếp thành hai hàng; đuôi rất ngắn, khoảng 6% tổng chiều dài cơ thể; lưng màu xám nâu với những đốm sẫm màu; bụng màu trắng, có các vệt sẫm màu chạy ngang; phía dưới đuôi có sọc sẫm màu.

Việc phát hiện thêm loài rắn mới cho thấy còn rất nhiều loài bò sát, lưỡng cư sẽ còn được phát hiện và công bố trong thời gian tới ở Việt Nam.

Năm 2010 được Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN) chọn là Năm Đa dạng sinh học nhằm thúc đẩy các chương trình nghiên cứu và tăng cường hỗ trợ cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Ở Việt Nam, chỉ trong 6 tháng đầu năm đã có hàng loạt loài mới được công bố. Riêng lĩnh vực nghiên cứu về bò sát và ếch nhái đã liên tục có những phát hiện gồm 6 loài mới cho khoa học và 2 loài lần đầu tiên ghi nhận ở Việt Nam.