Chia sẻ nguồn lợi từ khu bảo vệ: Quyền lợi phải gắn với trách nhiệm!

ThienNhien.Net – Chia sẻ nguồn lợi giữa các bên liên quan là một công cụ quan trọng để gìn giữ và sử dụng bền vững các khu bảo vệ. Nội dung này đã thu hút được sự quan tâm chú ý của các nhà khoa học, các nhà quản lý và được kỳ vọng sẽ sớm triển khai thí điểm ở Việt Nam. Bên lề cuộc hội thảo góp ý cho bản Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thí điểm cơ chế chia sẻ lợi ích trong các khu bảo vệ ở Việt Nam do Quỹ bảo tồn Rừng đặc dụng tổ chức hôm nay 12/05/2010, ThienNhien.Net đã có cuộc trao đổi với TS. Huỳnh Văn Kéo – Giám đốc Vườn Quốc gia (VQG) Bạch Mã.


– Thưa ông, như chúng tôi được biết Vườn quốc gia (VQG) Bạch Mã có thể sẽ là một trong những khu bảo vệ triển khai thí điểm cơ chế chia sẻ các nguồn lợi?

Ts. Huỳnh Văn Kéo: Vâng, chúng tôi rất hoan nghênh nội dung bản
 Dự thảo Quyết định của Chính phủ về thí điểm cơ chế chia sẻ lợi ích, mà VQG Bạch Mã dự kiến sẽ là một trong 5 khu bảo vệ sẽ triển khai chương trình. Về ý kiến cá nhân, tôi cho rằng những nội dung này rất cần thiết, qua đó sẽ từng bước tháo gỡ trăn trở của những người trong nghề như chúng tôi trong quá trình thực thi pháp luật về bảo tồn ở các VQG hiện nay. Tinh thần bản dự thảo là gắn lợi ích khu bảo vệ với cộng đồng dân cư, tạo nên sự đồng thuận cao giữa các bên có liên quan và tiến đến sự đồng quản lý giữa các bên.

– Xin ông cho biết “chia sẻ nguồn lợi” có là phải hoàn toàn mới đối với các khu bảo vệ ở nước ta? 

Ts. Huỳnh Văn Kéo:
Vâng, đối với các khu bảo vệ ở nước ta đây là việc làm hoàn toàn mới nếu thực hiện được các nội dung theo yêu cầu và trách nhiệm đặt ra giữa các bên liên quan, theo bản Dự thảo Quyết định. 

– Một điều khoản có trong bản dự thảo quy định cho phép khai thác và chia sẻ lợi ích đối với “một loài động vật không có tên trong Sách đỏ Việt Nam và các tổ chức quốc tế với điều kiện là còn với số lượng lớn trong khu bảo vệ”. Liệu sự cho phép này có là chủ quan, trong bối cảnh nạn săn bắt buôn bán động vật hoang dã đang lan tràn và rất khó kiểm soát hiện nay? Vấn đề xác định ngưỡng “lớn” về số lượng các loài trong tự nhiên cũng là điều đáng bàn… 

Ts. Huỳnh Văn Kéo: Vâng, quả thực rất khó để định tính định lượng một cách chính xác các loài trong một khu rừng mưa nhiệt đới. Để giải quyết những vấn đề này đòi hỏi phải có những chuyên gia giỏi, có kinh nghiệm cùng với những trang thiết bị hiện đại đầy đủ và có phương pháp nghiên cứu giám sát đa dạng sinh học một cách khoa học, đảm bảo tiêu chuẩn quy định. 

– Theo ông, việc triển khai thí điểm cơ chế chia sẻ nguồn lợi ở VQG Bạch Mã sẽ gặp khó khăn gì?


Ts. Huỳnh Văn Kéo: Một là, khó khăn do thiếu nguồn lực cán bộ khoa học có trình độ chuyên sâu, nhiệt tình trên các lĩnh vực xã hội, lâm sinh… (thông thường ở các khu bảo vệ không có chính sách thu hút được cán bộ giỏi làm việc lâu dài). 

Hai là, nhận thức của người dân về công tác bảo tồn còn hạn chế, tính tự giác và ý thức tổ chức chưa cao khi thực hiên các Thoả thuận. 

Thứ ba, cũng là khó khăn lớn nhất, đó là việc kiểm tra giám sát của các bên trong quá trình thực hiện các Thoả thuận, mặc dù Dự thảo cũng quy định thành lập Tổ giám sát gồm nhiều bên, nhưng thực tế việc tổ chức thu hoạch, khai thác là phụ thuộc nhiều vào tính tự giác của hộ gia đình và cộng đồng, chẳng hạn quy định thu hoạch măng tre cần để lại bao nhiêu phần trăm trong một bụi để đảm bảo sự phát triển…thì việc này Tổ giám sát không thể theo sát hiện trường được.

– Dường như bản Dự thảo Quyết định đề cập rất ít đến nghĩa vụ, trách nhiệm đóng góp, xây dựng khu bảo vệ của cộng đồng những người sống, hưởng lợi từ khu bảo vệ?

Ts. Huỳnh Văn Kéo:  Đúng vậy, chúng tôi sẽ chú ý thảo luận kỹ vấn đề này trong quá trình góp ý xây dựng Quyết định. Theo tôi, quyền lợi phải đi đôi với nghĩa vụ.

– Với đối tượng là nguồn lợi thu được từ việc khu bảo vệ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải khí nhà kính được chứng nhận (CERs) hoặc từ việc chi trả dịch vụ sinh thái (PES), liệu có thể áp dụng cho VQG Bạch Mã trong một tương lai gần? 

Ts. Huỳnh Văn Kéo: 2 lĩnh vực này là rất mới đối với các khu bảo vệ của Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi đề nghị các tổ chức trong và ngoài nước hỗ trợ giúp đỡ các chương trình nghiên cứu thí điểm để có cơ sở khoa học trong việc lượng hoá các chỉ tiêu này nhằm kêu gọi những đối tác – “người mua”, như vậy mới có thể áp dụng 2 nguồn lợi CERs và PES trong một thời gian gần nhất và hiệu quả nhất ở VQG Bạch Mã nói riêng, các khu bảo vệ ở Việt Nam nói chung.

– Xin chân thành cảm ơn ông!

Theo Dự thảo Quyết định Về việc thực hiện thí điểm cơ chế chia sẻ các nguồn lợi trong các khu bảo vệ ở Việt Nam, 5 vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên dự kiến triển khai thí điểm cơ chế chia sẻ lợi ích là: Vườn Quốc gia Bạch Mã thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế; Vườn Quốc gia Núi Chúa thuộc tỉnh Ninh Thuận; Vườn Quốc gia Lò Gò Xa Mát thuộc tỉnh Tây Ninh; Khu Bảo tồn Loài và Sinh cảnh Mù Cang Chải thuộc tỉnh Yên Bái; Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên thuộc tỉnh Thanh Hóa.