Chưa có giải pháp bảo tồn bãi đá cổ Sa Pa

ThienNhien.Net – Từ lúc còn là bãi đá hoang sơ đến khi chính thức trở thành di sản quốc gia (năm 1994), quần thể đá cổ Sa Pa, Lào Cai vẫn từng ngày xuống cấp. Sự thiếu ý thức của người dân và khách du lịch đang biến bãi đá dần thành… phế tích. Nhiều hòn đá cổ bị vỡ, bị chạm trổ vô số hình thù và bị mờ hoa văn. Ngay cả nhà trưng bày khu chạm khắc cũng bị phá, nhiều bức tranh bị xé rách hoặc gỡ bỏ!?


Vấn đề này đã được báo chí và dư luận phản ánh từ rất lâu, nhiều hội thảo cũng đã họp bàn và đưa ra giải pháp… nhưng đến nay các đơn vị liên quan vẫn chưa đưa ra được phương án khả thi.

Có chuyên gia du lịch cho rằng, muốn bảo vệ di tích bãi đá cổ cần thực hiện thu vé tham quan như các địa điểm du lịch khác, sau đó lấy nguồn thu để trả lương cho lực lượng bảo vệ chứ không nên để tình trạng hoang phế kéo dài như hiện nay.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng Lào Cai cần khẩn trương tìm biện pháp tôn tạo, bảo tồn và quản lý khu di sản này, nhằm trả lại những giá trị vốn có của một di sản có một không hai này.

Bãi đá cổ Sa Pa thuộc địa bàn ba xã Hầu Thào, Sử Pán và Tả Van, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, được nhà khảo cổ người Pháp gốc Nga Glubev phát hiện năm 1925. Bãi đá cổ trải rộng 8km² với gần 200 khối đá, trên mặt các khối là những hoa văn kỳ lạ như: bậc thang, hình người, con đường, chữ viết…

Tháng 10/1994, bãi đá cổ Sapa được Bộ văn hóa – Thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia và hiện đang được Nhà nước đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.