Bộ lạc đầu tiên của Ấn Độ giành quyền bảo vệ rừng

ThienNhien.Net – Một bộ lạc ở miền Tây Ấn Độ vừa được giao quyền trồng và quản lý rừng, theo Đạo luật Công nhận Lâm quyền năm 2006. Trong hơn một thập kỉ qua, người dân bộ lạc này đã chiến đấu chống lại việc thương mại hóa vùng đất của họ và rốt cuộc họ đã thành công.


Trong khi các nhà đám phán về biến đổi khí hậu đang cố tìm ra phương pháp giảm lượng khí thải do phá rừng và suy thoái rừng thì một bộ lạc ở Maharashtra đã có cách.

Tháng này, bộ lạc Mendha (Mendha Lekha) ở huyện Gadchiroli, Maharashtra đã trở thành ngôi làng đầu tiên trong cả nước có quyền hợp pháp để bảo vệ rừng, nguồn nước và lâm sản theo quy định của Đạo luật Công nhận Lâm quyền năm 2006 của Ấn Độ, một bộ luật ra đời để công nhận quyền lợi hợp pháp của các bộ tộc đối với rừng và các nguồn tài nguyên khác.

Đạo luật cho phép các cộng đồng bộ tộc được sống trong rừng, có quyền tự trồng, tự bảo vệ và sử dụng các lâm sản phụ. Hội đồng Làng (Gram Sabha) sẽ được trao quyền để xúc tiến quá trình xác định phạm vi các quyền có thể trao cho mỗi cá nhân hoặc gia đình hội đủ điều kiện.

Ở bộ lạc Mendha, quyền lực nằm trong cả cộng đồng, như một tập thể, chứ không ở các cá nhân riêng lẻ. Hội đồng Làng gồm các đại diện của 480 gia đình người Gonds trong bộ lạc đưa ra quyết định thông qua sự đồng thuận.

Quyết định quan trọng nhất mà hội nghị đưa ra là việc bảo vệ 1.800 ha rừng bao quanh. Ngôi làng đã phản đối việc đốn cây cho mục đích thương mại vào năm 1999.

Ngôi làng đã đặt lệnh cấm các hành vi xâm nhập vào lãnh thổ của mình, đặt ra các quy tắc rõ ràng cho người dân về việc bảo tồn rừng, và nhấn mạnh rằng không một chính quyền nào, kể cả Delhi hay Mumbai có thể can thiệp vào việc sử dụng tài nguyên của mình.

Trong quá khứ, Mendha cũng từng để lại dấu ấn, khi trở thành ngôi làng đầu tiên có hồ sơ đa dạng sinh học – một sự ghi nhận về tính đa dạng sinh học trong cánh rừng của họ. Mỗi hộ gia đình của bộ lạc đều có một lò biogas.

Hội đồng Làng hiện đang xem xét cách thức giúp biến các lâm sản phụ thành một nguồn thu nhập ổn định.

Cách quản lý của ngôi làng trong những năm qua là cơ sở để tin rằng các cộng đồng dân cư sống trong rừng khi được trao quyền sẽ có thể quản lý tốt môi trường của họ vì họ chính là những người sống và tồn tại dựa vào rừng.

Dân làng có thể chưa bao giờ nghe nói đến các cuộc đàm phán về giảm lượng khí thải từ phá rừng và suy thoái rừng (REDD), nhưng họ cũng không cần đến điều đó. Như chính ông Devaji nói: “Thiên nhiên sẽ hướng dẫn chúng tôi chứ không phải các vị lãnh đạo”.