Sự báo thù của Đất Mẹ: Khủng hoảng khí hậu và định mệnh nhân loại

ThienNhien.Net – Nhân loại đã bước sang thế kỷ 21, tuy nhiên, với những rủi ro chính trị và đặc tính trì trệ của xã hội, thế kỷ 21 đến nay dường như vẫn chưa thoát khỏi “vết xe đổ” của thế kỷ 20. Điều này được phản ánh một phần qua cách mà loài người đối xử với giới tự nhiên khi họ vẫn đang tiếp tục khai thác môi trường theo cách “cướp bóc có tổ chức”. Cuốn sách của Lovelock – <i>Sự báo thù của Đất Mẹ: Khủng hoảng khí hậu và định mệnh nhân loại</i> đưa ra một cách nhìn mới về Trái đất và lời cảnh báo về sự đáp trả của tự nhiên đối với loài người.


Có một thực tế là lối tư duy vì lợi ích tiêu dùng trước mắt đang ngày càng phát triển, bất chấp những tổn thương của tự nhiên. Chắc chắn trong tương lai rồi sẽ có những tư tưởng mới thay thế những tư tưởng không còn phù hợp này, song những tư tưởng ấy là gì và sẽ để lại dấu ấn gì cho nền văn minh của chúng ta? Liệu đó có phải tư tưởng mới từ cuốn sách Sự báo thù của Đất Mẹ: Khủng hoảng khí hậu và định mệnh nhân loại của James Lovelock?

Ý tưởng chủ đạo từ Sự báo thù của Đất Mẹ và cả sự nghiệp đồ sộ của Lovelock với hơn 200 nghiên cứu khoa học là Học thuyết Đất Mẹ – lý thuyết cho rằng Trái đất có vai trò như một sinh vật khổng lồ, một siêu hệ thống có thể tự điều tiết, được tạo thành từ tổng thể các sinh vật, đất đá bề mặt, đại dương và khí quyển… kết hợp với nhau như một hệ tiến hóa. Học thuyết cũng cho rằng hệ thống này đang hoạt động với mục tiêu rõ ràng là điều tiết các thực thể thành phần để tạo ra điều kiện thuận lợi nhất cho sự sống.

 
Bìa cuốn sách Sự báo thù của Đất Mẹ: Khủng hoảng khí hậu và định mệnh nhân loại (Ảnh: Amazon.de)

Giống như một tế bào, hay cơ thể con người, Trái đất tự điều tiết để duy trì sự sống của chính nó. Cần lưu ý rằng quan niệm coi Trái đất như một sinh vật khổng lồ chỉ đơn giản mang ý nghĩa ẩn dụ. Lovelock không quan niệm rằng đá cũng là sinh vật sống nhưng theo ông mọi thực thể sống hay không sống đều tương tác với nhau để hỗ trợ và duy trì cuộc sống cho nhau.

Học thuyết này đã phá vỡ quan điểm truyền thống của Học thuyết tiến hóa Darwwin vốn cho rằng các sinh vật sống có khả năng tự tạo nên một thế giới dễ thích nghi hơn.

Tư tưởng của Học thuyết Đất Mẹ – một học thuyết đã bị cộng đồng khoa học bác bỏ khi được Lovelock đưa ra lần đầu và một đồng nghiệp đề cập lại vào những năm 1970, giờ đây đang gây sự chú ý và có ảnh hưởng sâu sắc.
Học thuyết ấy cho rằng thế giới tự nhiên thực tế còn phức tạp hơn rất nhiều so với những gì con người có thể hình dung. Chính vì thế, những nỗ lực hàn gắn thế giới vụn vặt của con người hiện nay dường như chỉ tựa như dán cao dán lên một vết thương hở. Thực tế là, cách hàn gắn tự nhiên của chúng ta với những chẩn đoán hồ đồ và phương pháp quản lý thô bạo đã gây hại nhiều hơn là đem lại lợi ích cho Trái đất.

Từ Học thuyết Đất Mẹ, Lovelock đã đưa ra một vài kết luận căn bản, đôi khi khác thường, có thể gây sốc cho những người vốn vẫn tự cho mình là “xanh”. Giả dụ, Lovelock đã công khai ủng hộ việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì cho rằng đó là loại năng lượng tạo ra ít khí thải nhất.

Nhưng chất thải từ năng lượng hạt nhân sẽ giải quyết thế nào? Lovelock cho rằng Trái đất hoàn toàn có khả năng xử lý những chất thải từ năng lượng hạt nhân. Theo ông, thật vô lý khi cho rằng chất thải hạt nhân có thể gây rắc rối cho con người. Để chứng tỏ điều này, Lovelock đã tình nguyện chứa một lượng chất thải năng lượng hạt nhân ngay tại sân sau nhà ông.

Lovelock khẳng định dứt khoát rằng chất thải hạt nhân có lợi cho môi trường. Ông chứng minh điều này bằng nhận định rằng một số hệ sinh thái đầy sức sống và ít bị xâm hại nhất trên thế giới lại nằm ngay tại vùng đất “nhiễm độc” bởi chất thải hạt nhân.

Ngạc nhiên hơn, ông còn gợi ý rằng trong tương lai thế giới nên lưu trữ chất thải hạt nhân tại những hệ sinh thái yếu ớt và đang bị đe dọa, vì sự hiện diện của chúng, như một người bảo trợ, có tác dụng răn đe bất kỳ hành động xâm phạm nào của con người, sẽ mang lại hiệu quả hơn hẳn những gì mà Tổ chức Hòa Bình Xanh đang nỗ lực mang lại.

Lovelock cho rằng con người đã đưa các hệ thống thiên nhiên của Đất Mẹ cổ xưa vào một thời kỳ hỗn mang. Trong sự tồn tại ngắn ngủi của mình, loài người đã phá hoại khả năng tự điều tiết cốt yếu và phức tạp của Đất Mẹ. Nếu nói một cách ẩn dụ thì Trái đất đang hút ba bao thuốc một ngày trong suốt ba mươi năm qua. Đây quả là một cuộc khủng hoảng kinh hoàng, chưa từng có tiền lệ, và nó đòi hỏi một cách tư duy mới, một giải pháp căn bản và toàn diện ngay lập tức nếu muốn vấn đề được giải quyết.

Cách giải quyết cuộc khủng hoảng tự nhiên ngày nay được Học thuyết Đất Mẹ khuyến cáo là lập tức tận dụng những ưu điểm của năng lượng hạt nhân, đồng thời nghiêm túc điều tra về tiềm năng của nhiệt hạch hạt nhân và năng lượng mặt trời.

Lovelock khẳng định, trách nhiệm quan trọng nhất của chúng ta là sự sống của Trái đất, nhân loại cũng chỉ xếp hàng thứ hai. Ông cũng lường trước rằng chắc chắn, những kẻ bất tài thủ cựu sẽ nắm lấy cái vế “nhân loại xếp hàng thứ hai” để tung ra những chỉ trích đã cũ mòn mà họ luôn luôn đáp trả với các nhà môi trường học rằng “không quan tâm đến nhân loại; bỏ mặc đồng loại của mình để đề cao lợi ích của cây cối và động vật”. Song đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm.

Bởi lẽ, xét cho cùng, cốt lõi của thuyết bảo vệ môi trường xuất phát từ chính những giá trị của con người: lòng trắc ẩn, sự thấu hiểu và đức khiêm nhường. Quan tâm tới Trái đất cũng là quan tâm đến nhân loại, đến cả lợi ích vật chất lẫn tinh thần, và có lẽ quan trọng nhất là đến tương lai của nhân loại.

Sự báo thù của Đất Mẹ giới thiệu với chúng ta một cách tư duy mới đầy ẩn dụ, khoa học và cao cả. Hy vọng rằng tư duy của chúng ta sẽ gặp gỡ tầm nhìn của Lovelock, dũng cảm nhưng khiêm nhường tiến bước hướng về tương lai bền vững.