Khoa học và công nghệ Việt Nam cần những nghiên cứu đột phá

ThienNhien.Net – Tới thăm và làm việc với Viện Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam vào ngày cuối năm 2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các nhà khoa học cần tập trung vào những nghiên cứu mang tính đột phá, có hiệu quả, với tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội.


Trưởng thành vượt bậc

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao và biểu dương, trong 35 năm qua, Viện đã có bước trưởng thành vượt bậc. Ngày đầu thành lập với vài ba giáo sư, tiến sĩ, gần 50 phó tiến sĩ, đến nay Viện gồm 29 viện nghiên cứu cấp quốc gia trực thuộc, 4/17 phòng thí nghiệm trọng điểm, hơn 2.500 cán bộ nghiên cứu gồm 230 giáo sư, phó giáo sư, 700 tiến sĩ và tiến sĩ khoa học, 600 thạc sỹ. Đây là lực lượng hàng đầu và rất đáng tin cậy trong phát triển khoa học và công nghệ đất nước.

Nhiều năm qua, khoa học và công nghệ đã có những đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước, góp phần tạo chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa; tạo ra những đổi mới công nghệ trong các ngành công nghiệp, nhất là cơ khí chế tạo kết cấu thép chuyên dụng, đóng tàu, viễn thông, điện lực, dầu khí, khai thác tài nguyên, khoáng sản…

Viện đã có những thành quả ban đầu rất đáng khích lệ về phát triển các ngành công nghệ cao, như nghiên cứu thành công các công nghệ tạo ống na-nô cac-bon, một số loại thuốc chống sốt rét, hỗ trợ cắt cơn nghiện ma túy…

Nhiều nhà khoa học lớn như Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, Giáo sư toán học Lê Văn Thiêm, Giáo sư Viện sĩ vật lý Nguyễn Văn Hiệu… đã nghiên cứu, làm việc tại Viện.

Viện được Chính phủ tin cậy giao tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học tự nhiên và phát triển công nghệ theo các hướng trọng điểm của Nhà nước trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin; công nghệ sinh học; khoa học vật liệu; nghiên cứu biển, hải đảo và công trình biển; sinh thái và môi trường; tài nguyên sinh học và hợp chất thiên nhiên; kỹ thuật điện tử; thiết bị khoa học và tự động hoá; dự báo, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; công nghệ vũ trụ; thông tin, dự báo, cảnh báo động đất, sóng thần…


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Trung tâm cảnh báo động đất và sóng thần, Viện Vật lý địa cầu. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Đòi hỏi nỗ lực to lớn

Tuy nhiên, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trình độ công nghệ của chúng ta chưa cao, đóng góp của yếu tố công nghệ, tri thức vào từng sản phẩm còn thấp, kết quả nghiên cứu khoa học còn rất hạn chế. Khoa học và công nghệ nước ta chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, chưa trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, chưa khắc phục tình trạng tụt hậu với các nước trong khu vực. Điều đáng tiếc là theo đánh giá mới đây, năng lực công nghệ của Việt Nam vẫn ở mức thấp trong trong khu vực chấu Á.

Mục tiêu phát triển và thực trạng đó đặt ra những thách thức, yêu cầu đội ngũ khoa học nước nhà phải có những nỗ lực to lớn. Thủ tướng cho biết, Nhà nước tiếp tục đặt hàng các nhà khoa học triển khai thực hiện những nhiệm vụ khoa học và công nghệ, tập trung vào các trọng điểm như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, khoa học vật liệu, nghiên cứu biển, hải đảo, kỹ thuật điện tử…

Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam với lực lượng hùng hậu, là đầu tầu của nền khoa học- công nghệ Việt Nam, rất vinh quang đồng thời cũng mang nhiệm vụ rất nặng nề rất, khó khăn. Chính phủ sẵn sàng giúp tháo gỡ một số vướng mắc, khó khăn về cơ chế để phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Viện Khoa học vật liệu. (Ảnh: Chinhphu.vn)

5 trọng tâm của Khoa học và Công nghệ trong năm 2010

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị, năm 2010, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cần tập trung vào 5 trọng tâm chính.

Thứ nhất, thực hiện tốt chức năng nghiên cứu khoa học cơ bản. Do đặc thù của nghiên cứu cơ bản khó trông chờ vào đầu tư của doanh nghiệp, nên Chính phủ sẽ tăng cường đầu tư nghiên cứu cơ bản và công nghệ cao. “Đây là sự đầu tư dài hạn nhằm phát triển hạ tầng khoa học và công nghệ đất nước, là sự đầu tư cho phát triển bền vững. Nhà nước sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi để Viện thực hiện nhiệm vụ được giao”. Thủ tướng cũng khẳng định và lưu ý Viện cần có nhiều kết quả nghiên cứu khoa học cơ bản thực sự vượt trội, mang tính đột phá cao.

Thứ hai, cũng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của giới khoa học, công nghệ Việt Nam là thúc đẩy phát triển ứng dụng công nghệ, nhất là công nghệ cao phục vụ cho các ngành sản xuất kinh doanh, tham gia thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của thị trường công nghệ, phải đưa nhanh, đưa mạnh các tiến bộ khoa học công nghệ vào phục vụ thiết thực, hiệu quả cho sản xuất, đời sống, quốc phòng, an ninh.

Thứ ba, thúc đẩy đào tạo nhân lực khoa học, công nghệ có trình độ cao. Đây là nhiệm vụ bức thiết, vì hiện nay, chúng ta đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực có trình độ cao. Chất lượng nguồn nhân lực thấp là “điểm nghẽn” phát triển đối với đất nước. Do vậy, Viện với nhiều phòng thí nghiệm hiện đại, cần chú trọng đào tạo nhân lực có trình độ cao cho đất nước.

Thứ tư, chú ý phát triển một số lĩnh và hoạt động khoa học công nghệ khác như công nghệ vũ trụ; khoa học công nghệ biển; Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam; báo tin động đất và cảnh báo sóng thần…

Thứ năm, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong hoạt động nghiên cứu khoa học, thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế để thu hút, huy động nguồn lực quý báu đó cho phát triển khoa học công nghệ đất nước.

Cũng nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới thăm các Viện Công nghệ Sinh học, Vật lý địa cầu, Khoa học Vật liệu thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.