Đồng Nai: Đưa ngành nông nghiệp đi đúng hướng

ThienNhien.Net – Những năm gần đây, ngành nông nghiệp Đồng Nai đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, nhờ chú trọng ứng dụng kỹ thuật và khoa học tiên tiến vào sản xuất, tích cực cải tiến cây con giống…


Chuyển dịch đúng hướng phát triển của tỉnh

Trong thời gian thực hiện kế hoạch 5 năm (2006-2010), sản xuất nông nghiệp mặc dù còn nhiều khó khăn thử thách do thiên tai như, dịch bệch, giá cả vật tư liên tục leo thang, tuy nhiên giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân trong 4 năm của tỉnh đã tăng 5,87%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra là từ 5-5,5%. Cơ cấu giá trị sản xuất nông – lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2006-2009 cũng chuyển dịch đúng hướng so với chỉ tiêu quy hoạch.

Đến 2009, tỉ trọng nông nghiệp chiếm 90,4% (giảm so với chỉ tiêu qui hoạch 91,95%); lâm nghiệp chiếm 1,07% (tăng so với chỉ tiêu quy hoạch 0,92%) và thủy sản chiếm 8,53% (vượt so với chỉ tiêu quy hoạch 7,14%). Trong nội bộ ngành nông nghiệp, giá trị sản xuất chuyển dịch theo hướng trồng trọt giảm, chăn nuôi tăng. Nếu năm 2006, tỉ trọng trồng trọt chiếm 69,37% thì năm 2009 còn 66,45%; chăn nuôi từ 26,34% tăng lên 29,65%, phù hợp với quy hoạch ngành.

Những thành quả cần được nhân rộng

Đạt được kết quả trên là do ngành nông nghiệp đã chủ động ứng dụng các giống mới, các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

Đến nay, 100% diện tích lúa, bắp, mía, đậu các loại và 90% diện tích khoai mì được gieo trồng bằng giống mới; cây điều, cây ăn trái các loại đang thay dần giống có năng suất và chất lượng cao hơn. Hiện 100% diện tích lúa được gieo trồng bằng giống mới có năng suất cao, phẩm chất gạo ngon đủ điều kiện xuất khẩu như: OM 35-36, VND 95-20, OM 4717, AS 996-7…

Đối với cây bắp đã sử dụng giống bắp lai trên 100% diện tích; cây rau áp dụng giống mới, giống F1 có năng suất cao, phẩm chất tốt, khả năng chống sâu bệnh khá. Ngoài ra, phương thức canh tác trong nhà lưới, phủ nilong, áp dụng phương pháp tưới tích hợp cho rau, sử dụng nước sạch, bón phân sạch đúng thời điểm, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn… đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho ngành nông nghiệp.

Hiện diện tích trồng rau trên địa bàn khoảng 2.400 ha, đã có 5 đơn vị được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn với tổng diện tích gần 51 ha. Bên cạnh đó, đã thực hiện thành công việc ứng dụng mô hình sản xuất rau trong nhà lưới cho 45 ha rau ăn lá, áp dụng 80% giống mới có địa chỉ cụ thể vào sản xuất, có 70% rau thân leo được ứng dụng màng phủ nông nghiệp và hệ thống giàn hợp lý…; ngành cũng đã nghiên cứu tuyển chọn phục tráng các giống đậu nành mới như: G87-5, MTĐ 176, DT 84…; đưa vào trồng thử nhiều giống khoai mỳ mới có năng suất, hàm lượng tinh bột cao như KM 98-1, KM 98-2 … qua đó năng suất tăng từ 178 tạ/ha lên 300 tạ/ha.

Với mục tiêu đưa ngành nông nghiệp tỉnh nhà đi đúng định hướng và tăng khả năng xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, thời gian qua ngành đã triển khai thử nghiệm mô hình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) cho 3 ha rau, 10 ha bưởi và 15 ha xoài; triển khai dự án cây con chủ lực trên địa bàn tỉnh nhằm tạo ra những sản phẩm chủ lực có thế mạnh của tỉnh. Song song đó, ngành còn thực hiện nhiều dự án khuyến nông hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp cho hộ nghèo.

Trong chăn nuôi, việc ứng dụng công nghệ sinh học được chú trọng áp dụng ở việc lai tạo bò, heo, gà để tạo ra những giống mới cho năng suất, chất lượng thịt, trứng, sữa cao. Đến nay, chương trình gieo tinh nhân tạo bò đã dùng tinh bò đực nhóm giống Zebu cho lai với bò vàng địa phương góp phần tạo ra đàn bò cái lai Sind có tầm vóc lớn, sức sinh sản cao. Riêng heo, từ năm 1996 đến nay đã nhập trên 500 con heo đực giống thuần Yorkshire, Landrace, Duroc để lai tạo ra những giống mới cho năng suất và chất lượng nạc cao.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, phong trào nuôi gà công nghiệp theo hướng hiện đại đã được người dân áp dụng rộng rãi, hiệu quả kinh tế cao với nhiều giống gà thả vườn thuộc nhóm gà lông màu như: Lương phượng, Tam hoàng…

Trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, nhiều mô hình mới được đưa vào sản xuất hiệu quả như: nuôi cá rô đồng, các diêu hồng, cá lăng nha, cá chình, tôm càng xanh…

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành nông nghiệp, hiện ngành nông nghiệp đang đứng trước nhiều khó khăn, mà trước hết là đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp, hệ thống các công trình thủy lợi chưa đáp ứng yêu cầu, phần lớn diện tích chăn nuôi trồng trọt còn phân tán nhỏ lẻ nên khó triển khai các chương trình, dự án khuyến nông…

Để đưa giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng cao hơn nữa, ngành nông nghiệp Đồng Nai xác định phải xây dựng vùng sản xuất hàng hóa với cơ cấu hợp lý và bền vững trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh. Trong đó tập trung vào việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, làm ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng và tăng khả năng cạnh tranh với thị trường trong và ngoài nước; nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, lao động và nguồn vốn; chủ động phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng, giảm tổn thất do sâu bệnh gây ra…