Xây thủy điện A Chò trong vùng lõi KBTTN Đăkrông

ThienNhien.Net – Theo Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị, việc xây dựng thủy điện A Chò ở bản Tà Lao, xã Húc Nghì, huyện Đakrông (với tổng vốn 167 tỉ đồng) sẽ giúp bổ sung nguồn năng lượng điện, cải thiện môi trường, góp phần giảm lũ và cấp nước cho vùng hạ lưu… Tuy nhiên, ông Võ Trực Linh – Giám đốc Sở Tài nguyên&Môi trường tỉnh Quảng Trị khẳng định, tỉnh nên chọn địa điểm khác thì thích hợp hơn.


Lý do khiến hai đơn vị Sở Tài nguyên Môi trường và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị chưa đồng thuận vì thủy điện A Chò được đặt ngay giữa trung tâm vùng lõi Khu BTTN Đakrông. Nếu dự án này được duyệt, sẽ có hơn 53 ha diện tích vùng lõi bị đốn hạ, gây ảnh hưởng đến 4.000 ha rừng già.

Khu BTTN Đakrông (thành lập vào năm 2000), là nơi có nhiều loại động vật, thực vật quý hiếm, đặc hữu của Việt Nam và thế giới, như: gà lôi lam mào trắng (giống gà có tên trong sách đỏ thế giới, hiện chỉ còn ở vùng rừng Đakrông), sao la, gấu ngựa, gụ lau, kim giao, lan kim tuyến… sinh sống.

Điều đáng nói là ở Quảng Trị hiện nay đang xảy ra tình trạng xây dựng quá nhiều đập thủy điện nhỏ, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Toàn Quảng Trị hiện có 17 dự án thủy điện nhỏ, tập trung chủ yếu tại huyện Đakrông và Hướng Hóa. Riêng sông Đakrông đã phải “gánh” tới 6,7 dự án, trong đó có thủy điện A Chò.

Người dân lo ngại, nếu các công trình thủy điện hoàn thành và cùng đồng loạt xả nước thì khi lũ đến, những địa phương ở phía hạ lưu các con sông sẽ ngập chìm trong nước.

Theo đánh giá của các chuyên gia địa chất, Quảng Trị (và Quảng Bình) vốn là địa phương có địa hình dốc, các con sống ngắn, tốc độ chảy cao nên khi các hồ thủy điện xả nước sẽ tạo áp lực lớn cho các vùng hạ lưu. Ngược lại, vào mùa khô khi các hồ chứa chặn dòng để tích nước, nguy cơ hạn hán sẽ càng trầm trọng hơn. Vì vậy, việc quy hoạch xây dựng các thủy điện tại những địa phương này phải hết sức cẩn trọng.