Công tác bảo vệ môi trường ở Kim Bảng, Hà Nam

ThienNhien.Net – Được sự hỗ trợ của Chính phủ Đan Mạch thông qua Ban quản lý Hợp phần “Kiểm soát ô nhiễm tại các khu vực đông dân nghèo” (PCDA), Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nam phối hợp với UBND huyện Kim Bảng đang tiến hành xây dựng mô hình xã hội hoá công tác phân loại, thu gom và xử lý rác thải tại cụm dân cư 4 xã Thi Sơn, Ngọc Sơn, Văn Xá và thị trấn Quế huyện Kim Bảng với sự tham gia của cộng đồng.


Xây dựng trạm xử lý rác thải

Mặc dù hiện nay, cả 4 xã Thi Sơn, Ngọc Sơn, Văn Xá và thị trấn Quế đều đã hình thành các tổ thu gom rác nhưng vẫn tồn tại nhiều vấn đề, đặc biệt là việc xử lý rác sau thu gom. Để việc xử lý rác triệt để và hiệu quả hơn, PCDA sẽ hỗ trợ các địa phương nói trên xây dựng một trạm xử lý rác thải sinh hoạt với công suất 10 tấn rác/ngày.

Tổng kinh phí hỗ trợ xây dựng trạm khoảng gần 6 tỷ đồng. Khi trạm xử lý rác này được hoàn thành sẽ giúp các địa phương khắc phục được những khó khăn về quy hoạch địa điểm chôn lấp, tiết kiệm được diện tích.

Đặc biệt, thông qua việc hỗ trợ tập huấn nâng cao nhận thức về phân loại rác thải hàng ngày, một lượng lớn rác thải sinh hoạt trong nhân dân sẽ được tái chế thành phân bón vi sinh phục vụ trở lại cho sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Ngoài ra, PCDA cũng sẽ dành một phần kinh phí hỗ trợ cho các địa phương mua sắm các thiết bị, dụng cụ phục vụ cho việc thu gom rác: như xe đẩy, thùng rác công cộng, thùng rác dành cho các hộ gia đình, quần áo bảo hộ lao động, khẩu trang, găng tay… Hy vọng rằng, với sự hỗ trợ tích cực của PCDA, các mô hình xã hội hoá công tác phân loại, thu gom và xử lý rác thải ở Kim Bảng sẽ phát huy hiệu quả, trở thành điểm sáng trong công tác bảo vệ môi trường ở nông thôn tại địa phương.

Xã hội hóa công tác thu gom rác tại địa phương

Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn (Kim Bảng) ông Trần Văn Phúc cho biết, từ năm 2003 đến nay, trên địa bàn xã đã thành lập các tổ thu gom rác thải tại các thôn, xóm. Hiện toàn xã đã có 4 tổ thu gom rác, hoạt động theo cơ chế: xã hỗ trợ ban đầu tiền mua xe vận chuyển (xe đẩy) và quy hoạch địa điểm đổ rác tập trung; thôn chọn cử người tham gia; nhân dân bàn bạc, quyết định mức đóng góp, trả công hàng tháng cho người thu gom.
Theo Chị Mai Thị Vinh, một trong 2 người đang làm công tác thu gom rác tại địa phương (thôn Đanh Xá), cứ cách một ngày, các chị phải đi thu gom một lần, mỗi lần đi thu gom rác thường phải mất cả buổi với chiều dài của thôn (hơn 2km nằm ven đê sông Đáy). Trong khi đó, tiền công hàng tháng do thôn trả năm 2008 chỉ được 200.000đ/người/tháng và từ đầu năm 2009 đến nay được nâng lên mức 300.000đ. Toàn bộ số tiền này đều do dân đóng góp. Năm trước mỗi khẩu đóng góp 500đ/tháng, năm nay đã tăng lên 700đ. Số tiền đó tuy không nhiều, nhưng với người dân nông thôn để trả cho tiền vệ sinh môi trường như vậy bà con đã phải bàn bạc khá kỹ mới đi đến thống nhất được mức đóng góp đó.
Ông Bùi Xuân Thư, trưởng thôn Đanh Xá chia sẻ: “Cái chính là phải vận động, thuyết phục được người dân đồng tình, ủng hộ. Tuyên truyền để mỗi người dân đều nhận thức được và có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường khi đó mọi việc mới có thể làm tốt”.

Qua tìm hiểu, được biết, hiện nay ở Kim Bảng không chỉ ở xã Ngọc Sơn mà ở nhiều xã khác như: Văn Xá, Thi Sơn, thị trấn Quế… cũng đã thành lập được các tổ thu gom rác thải tại các địa bàn dân cư, do nhân dân tự đóng góp kinh phí để duy trì hoạt động.

Anh Đào Phúc Nguyên, phó chủ tịch UBND thị trấn Quế nói: “Ở đây nhà nước (ý nói chính quyền địa phương) không phó mặc hoàn toàn cho nhân dân trong việc thu gom rác mà với điều kiện hiện tại chỉ có thể hỗ trợ được một phần kinh phí ban đầu như: tiền mua xe vận chuyển, công tác tuyên truyền, vận động… còn lại đều phải dựa vào dân. Trong điều kiện có thể, nếu nhà nước có sự hỗ trợ để nâng mức tiền công cho những người làm công tác thu gom rác tại các thôn, xóm thì sẽ khuyến khích và duy trì được các tổ thu gom rác này hoạt động hiệu quả tốt hơn. Bởi hiện tại, với mức đóng góp của nhân dân, chi phí cho tiền công của những người đi thu gom rác chỉ đạt trung bình 200.000đ/người/tháng là quá thấp. Còn vận động nhân dân đóng cao hơn nữa, vẫn chưa được sự ủng hộ cao của nhiều người dân vì sẽ ảnh hưởng đến mức thu nhập”.
Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của Hợp phần PCDA, các bãi rác tạm tại các xã: Thi Sơn,Ngọc Sơn, Văn Xá và thị trấn Quế đã sử dụng để chôn lấp ở giai đoạn một, khi công trình nhà máy xử lý rác thải công suất 20 tấn/ngày hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ tiến hành xử lý triệt để toàn bộ rác thải sinh ra.

Hy vọng dự án trình diễn: “Xây dựng mô hình xã hội hoá công tác phân loại, thu gom và xử lý rác thải cụm dân cư 3 xã thi Sơn, Ngọc Sơn, Văn Xá và thị trấn Quế huyện Kim Bảng, với sự tham gia của cộng đồng” sẽ là một mô hình điểm cho tỉnh Hà Nam nói riêng và cho các địa phương khác trong cả nước nói chung học tập và nhân rộng.