Sử dụng năng lượng hiệu quả đảm bảo an ninh quốc gia

ThienNhien.Net – Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương – Vũ Huy Hoàng, với tốc độ gia tăng khai thác năng lượng như hiện nay, các nguồn năng lượng sơ cấp của Việt Nam như than, dầu khí, thủy điện… sẽ trở nên khan hiếm. Trên cơ sở đó, Dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã ra đời. Sáng 14/09, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp để cho ý kiến về Dự án luật này.


Dự thảo Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả gồm 7 chương, 46 điều, quy định về trách nhiệm sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm và hiệu quả của tổ chức, cá nhân sử dụng năng lượng… ;xác định rõ trách nhiệm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực thực thi pháp luật của các cơ quan Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố đối với lĩnh vực này.

Theo dự án Luật, các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng sẽ được quản lý chặt chẽ để từng bước nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng. Đồng thời, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ sở sử dụng năng lượng trong công tác phối hợp, báo cáo hiện trạng sử dụng năng lượng.

Bộ trưởng Bộ Công Thương – Vũ Huy Hoàng cho biết, trên cơ sở tính toán quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia, trong giai đoạn 2010-2020, có thể xuất hiện sự mất cân đối giữa khả năng cung cấp và nhu cầu sử dụng các nguồn năng lượng sơ cấp nội địa. Do vậy, Việt Nam có thể sẽ từ nước xuất khẩu thành nước nhập khẩu năng lượng với mức độ phụ thuộc ngày một tăng.

Với tốc độ gia tăng khai thác năng lượng như hiện nay, các nguồn năng lượng sơ cấp của Việt Nam sẽ trở nên khan hiếm.

Thảo luận về Dự án Luật, các đại biểu đều đồng tình với việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả là biện pháp hàng đầu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, việc ban hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một nhu cầu cấp bách.

Tuy nhiên bên cạnh nhiều ý kiến tán thành với phạm vi điều chỉnh nêu trong Dự thảo Luật chỉ dừng lại ở khâu sử dụng năng lượng, thì cũng có ý kiến cho rằng Luật cần quy định rộng hơn bao gồm toàn bộ quá trình bắt đầu từ khai thác, sản xuất ra các nguồn năng lượng cho đến khâu sử dụng năng lượng cuối cùng, bởi khâu khai thác, sản xuất cũng gây nhiều lãng phí.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội – Tòng Thị Phóng, nội dung của luật cần có quy định rõ ràng cụ thể từ khâu khai thác, sản xuất đến khâu sử dụng, bởi sản xuất năng lượng là sản phẩm đặc thù nên với đối tượng này là sản xuất, nhưng đối tượng khác là sử dụng,

Phó Chủ tịch Quốc hội – Uông Chu Lưu cho rằng, hiện nay trong khâu sử dụng năng lượng đang rất lãng phí, vì vậy không nên mở phạm vi quá rộng. Với phạm vi như thế này cùng chính sách rõ ràng ta sẽ đạt được mục tiêu.

Liên quan tới trách nhiệm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các ý kiến cũng yêu cầu cần làm rõ khái niệm cơ sở sử dụng năng lượng là những loại cơ sở nào, quy mô sử dụng năng lượng có bao gồm cả hộ gia đình không?

Trong lĩnh vực sản xuất năng lượng, cần quy định cụ thể hơn, vì khái niệm này khá rộng. Ngoài ra, các quy định về biện pháp quản lý công nghệ, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất cũng cần phải được tách bạch, rõ ràng hơn.

Cũng theo ý kiến các đại biểu, nên phân biệt giữa 2 loại đối tượng sử dụng năng lượng là các cơ sở sử dụng ngân sách Nhà nước và không sử dụng ngân sách, để từ đó áp dụng cơ chế, biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực xây dựng. Đối tượng sử dụng ngân sách nhà nước phải bắt buộc tuân thủ các yêu cầu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các đối tượng còn lại chỉ nên có quy định mang tính khuyến khích.

Về việc quản lý phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng, các ý kiến thống nhất, bên cạnh việc ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, thì việc công bố áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật nước ngoài phù hợp với điều kiện Việt Nam về hiệu suất năng lượng cho các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng là một nhiệm vụ quan trọng, để khuyến khích các doanh nghiệp tự giác thực hiện dán nhãn năng lượng. Nhà nước ngoài việc quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về thiết bị tiết kiệm năng lượng cũng cần có các biện pháp hỗ trợ các hoạt động này.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội – Nguyễn Đức Kiên, trên cơ sở đóng góp của các đại biểu, Dự thảo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cần được tiếp tục bổ sung, để đưa ra xin ý kiến Quốc hội lần đầu tại kỳ họp Quốc hội thứ VI tới.

Với quan điểm xây dựng nội dung Luật tập trung ở khâu sử dụng năng lượng, bởi đây là khâu xã hội quan tâm nhiều nhất, không nhất thiết phải xây dựng một luật có phạm vi quá rộng, vì như vậy sẽ chung chung, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cũng lưu ý cần làm rõ vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này nhằm mang lại hiệu quả cao trong quản lý.

Hiện nay, trong sản xuất công nghiệp, xây dựng dân dụng và giao thông vận tải của nước ta, tình trạng lãng phí năng lượng rất lớn. Hiệu suất sử dụng nguồn năng lượng trong các nhà máy điện đốt than, dầu chỉ đạt 28-32% thấp hơn so với các nước phát triển 10%. Hiệu suất các lò hơi công nghiệp chỉ đạt khoảng 60%, thấp hơn mức trung bình của thế giới 20%.
Năng lượng tiêu hao cho một đơn vị sản phẩm trong ngành công nghiệp của nước ta cao hơn rất nhiều so với ccác nước phát triển. Ví dụ để sản xuất 1 tấn thép từ nguyên liệu quặng, các nhà máy thép của ta cần 11,32-13,02 triệu Kcal, trong khi mức tiên tiến của thế giới chỉ cần 4 triệu Kcal. Để sản xuất ra một sản phẩm có giá trị như nhau , sản xuất công nghiệp của ta phải tiêu tốn năng lượng gấp 1,5-1,7 so với các nước.
Cũng theo tính toán cho thấy tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp sản xuất xi măng, thép, sành sứ, đông lạnh, hàng tiêu dùng của nước ta có thể đạt trên 20%, lĩnh vực dân dụng, giao thông vận tải có thể đạt trên 30%…