Phía cuối dòng Mê Kông (Kì 2)

ThienNhien.Net – Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) thiếu nước! Chuyện mới nghe qua như đùa, nhưng đáng tiếc đây lại là nguy cơ có thật, và sẽ chỉ diễn ra trong tương lai gần. Chẳng những các mạch nước ngầm đang dần cạn kiệt, mà ngay cả nước ngọt phục vụ cho vựa lúa lớn nhất nước từ con sông Cửu Long cũng đang có nguy cơ khan hiếm dần. Nguyên nhân đã được các nhà khoa học khẳng định là do biến đổi khí hậu và tác động của con người, bằng những con đập ngăn dòng Mê Kông. Trong bối cảnh đó, việc thu hẹp diện tích sản xuất của vựa lúa đang được tính đến.


Kì 2: Vựa lúa ĐBSCL sẽ khát nước

Theo khảo sát của các Sở Tài nguyên – Môi trường Đồng Tháp, Sóc Trăng, Cần Thơ và Bạc Liêu, mực nước ngầm trong vòng 10 năm trở lại đây đã giảm xuống trên 1m. Nhiều nơi, mực nước ngầm đã tụt sâu trên 1m và đến mùa hạn mức nước ngầm càng xuống thấp. Tình trạng ô nhiễm mạch nước ngầm đã được cảnh báo từ năm 2004, tuy nhiên những giải pháp khắc phục xem ra còn bế tắc.

Theo Giáo sư David Dapice, chuyên gia nước ngoài hàng đầu nghiên cứu về chính sách phát triển của Việt Nam, không chỉ nước ngầm cạn kiệt mà trong vòng 5 – 10 năm tới, dưới tác động của biến đổi khí hậu, dải băng hà trên dãy Himalaya tan nhanh sẽ khiến lượng nước không đủ để cung cấp cho hạ nguồn các con sông, trong đó có Mê Kông.

Bên cạnh đó, hai năm tới Trung Quốc có thể hoàn thành thêm hai dự án đập thủy điện trữ nước, nâng lượng nước trữ lại từ 3 tỉ lên 40 tỉ m3. Chưa kể Thái Lan, Lào và Cam-pu-chia cũng đang có một số dự án làm thay đổi dòng chảy Mê Kông, chính vì vậy ĐBSCL nơi cuối nguồn sẽ khó tránh khỏi nguy cơ thiếu nước cho lúa.

Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, một trong những chuyên gia đầu ngành của thế giới về cây lúa, tài nguyên nước ngọt ở ĐBSCL chưa được khai thác hợp lý. Hiện tại nông dân đang sử dụng tới 20.000 m3 nước/vụ. ĐBSCL có 3,6 triệu ha/năm, tức là dùng đến 76 tỉ m3/năm trong khi đó tổng lưu lượng nước của sông Mê Kông hiện có khoảng 460 tỉ m3 chảy qua/năm, tức riêng canh tác lúa đã chiếm đến 1/6.

Song, nguy cơ thực sự không phải ở chỗ người nông dân sử dụng nước chưa hợp lý, mà ở chỗ các nước thượng nguồn đã bắt đầu tích trữ nước cho thủy điện và phục vụ tưới tiêu, chính vì vậy lượng nước từ dòng Mê Kông chảy vào Việt Nam sẽ ít đi rất nhiều trong vài năm tới, GS Võ Tòng Xuân cho biết.

Theo tin từ Bộ NN&PTNT, Bộ hiện cũng đang tính đến việc giảm diện tích lúa từ nay đến năm 2030, trong đó sẽ giảm diện tích lúa tại ĐBSCL đến 130.000 ha. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, con số này có thể sẽ cao hơn nhiều nếu tình trạng xâm nhập mặn có chiều hướng gia tăng.

Mặn từ “trên trời rơi xuống”?

Theo nghiên cứu và dự báo của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu thuộc Liên hiệp quốc và Ngân hàng Thế giới, nếu mực nước biển tăng 1m, nhiệt độ tăng lên 2oC, ĐBSCL sẽ có tới 1,5-2 triệu ha đất nông nghiệp, chủ yếu là đất lúa, bị ngập hoặc nhiễm mặn không thể canh tác.

 
Ngoài nguy cơ thiếu nước, xâm nhập mặn cũng là một thảm họa cận kề đối với vựa lúa lớn của cả nước.

Song thực tế cho thấy không đợi đến 100 năm nữa theo kịch bản biến đổi khí hậu, mà tình trạng xâm nhập mặn hiện đã diễn ra gay gắt tại các tỉnh hạ lưu sông Mê Kông tiếp giáp với biển. Tại Sóc Trăng, Sở NN&PTNT ghi nhận trong vòng 2 năm nay nước mặn đã xâm nhập đến Cù Lao Dung, Đại Ngãi, điều mà cách đây 5 năm không hề có. Năm 2008, nước mặn xâm nhập vào Long Phú đã làm ảnh hưởng trên 2.500 ha lúa và cây ăn trái của khu vực này.

Tại Trà Vinh, nước mặn vào cửa biển Định An, xâm nhập sâu vào đất liền, ảnh hưởng nghiêm trong đến diện tích canh tác lúa. Năm 2007, nước mặn đã theo dòng sông Hậu lên đến địa phận Cần Thơ, gây ngập tại một số nơi trong thành phố.

Theo Tiến sĩ Huỳnh Minh Hoàng, Phó giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Bạc Liêu, cây lúa chỉ thích ứng được với nuớc có độ mặn dưới 4‰. Trong giai đoạn trổ, với độ mặn trên 4‰, hạt lúa sẽ bị lép.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, nông dân trồng mía tại huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, người có 4 ha mía bị thiệt hại do nước mặn tràn vào sau trận tràn đê bao năm 2007, cho biết: “Cách đây 10 năm nước không thể dâng cao như thế này, nhưng những năm gần đây nước biển lại vào sâu đến đây (cách 30 km) và rất mặn làm mía chết hết trơn”.

Đối với người nông dân, nước mặn xâm nhập sâu vào các nhánh sông Mê Kông là do trời. Họ nào có hiểu, chính những con đập lớn nhỏ ngăn dòng của các nước từ thượng lưu và biến đổi khí hậu mới chính là những “thủ phạm” đích thực của tình trạng này.

Nguy cơ đang tới rất gần

Theo GS.TS. Võ Tòng Xuân, nước cho sản xuất cây lúa hiện nay càng trở thành một nhu cầu bức thiết, nếu không được sử dụng hợp lý và rà soát tổng thể ngay từ bây giờ thì nguy cơ thiếu nước là rất cận kề. Sau khi Trung Quốc và một số nước như Thái Lan, Lào, Cam-pu-chia hoàn thành các con đập ngăn dòng phục vụ thủy điện và tưới tiêu, chắc chắn dòng chảy của sông Mê Kông sẽ thay đổi và lượng nước chảy xuống hạ lưu sẽ ít đi vào mùa khô, song mức lũ sẽ cao hơn vào mùa nước nổi, khi các đập xả lũ. Chính vì vậy, nguy cơ thiếu nước cho vựa lúa lớn nhất nước do ảnh hưởng từ việc khai thác sông Mê Kông thậm chí gần hơn rất nhiều so với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Năm 2004, ý tưởng tận dụng nước ngọt cho cây lúa tại ĐBSCL đã được khởi xướng khi UBND tỉnh Đồng Tháp cho đắp một số đê bao phân lũ lấy nước rửa trôi vùng đất phèn trũng Đồng Tháp Mười. Nhiều địa phương ở An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng cũng đã dẫn nước ngọt vào sâu trong những vùng đất mặn để phát triển cây lúa.

Tuy nhiên, theo GS. Xuân nhận định, chương trình ngọt hóa bán đảo Cà Mau sẽ hao tổn rất nhiều nước ngọt và rất khó thoát nước. Ông cũng chính là người đã phản biện cho chương trình, với đề xuất “nên coi nước mặn cũng là một tài nguyên”, nhưng đáng tiếc đề xuất của ông đã không được quan tâm.


Kì 1: Thiên tai và nhân họa