Trung Quốc và nguồn nguyên liệu nhôm ở Đông Dương

ThienNhien.Net – Trong cơn khát tài nguyên đáp ứng nhu cầu tăng trưởng cao của nền kinh tế, Trung Quốc không ngừng gia tăng đầu tư cho các dự án khai thác tài nguyên và khoáng sản. Nguồn tài nguyên trong nước không đáp ứng xuể buộc họ phải tìm kiếm và vươn tới các mỏ tài nguyên ở các quốc gia khác. Ba nước Đông Dương (Lào, Cam-pu-chia, Việt Nam) với trữ lượng bô-xít dồi dào và điều kiện thuận lợi về khoảng cách, được coi là nguồn cung đầy tiềm năng về nguyên liệu chế biến nhôm cho đất nước tỉ dân này.

Tận dụng thế lực về đầu tư

Trong bối cảnh suy giảm chung của nền kinh tế toàn cầu, Trung Quốc vẫn duy trì được mức tăng trưởng cao 9% trong năm 2008 (mức thấp nhất kể từ 2002) và phát huy được thế mạnh dồi dào nguồn tiền mặt, trở thành quốc gia đầu tư và cho vay có thế lực.

Tính riêng trong hai tháng đầu năm nay, lượng đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc (cả hai khối nhà nước và tư nhân) là 16,3 tỉ USD. Ngành khai khoáng, trước còn hạn chế do chi phí  cao, nay cũng góp phần quan trọng vào nền kinh tế.

Trung Quốc đã tiếp sức cho nhiều công ty khai khoáng có nguy cơ phá sản ở khắp nơi thông qua các hợp đồng mua lại và sáp nhập, tiến hành thu mua các mỏ tài nguyên của nhiều quốc gia, đồng thời vươn lên vị trí số 1 về nhập khẩu kim loại, trong đó đáng kể nhất là đồng, alumnina, kẽm và nickel. Vai trò của Trung Quốc trên thị trường kim loại toàn cầu ngày càng được củng cố thông qua khả năng chi phối lượng cầu và giá.

Các công ty khai khoáng của Trung Quốc đang tiếp cận một cách có chiến lược các cơ hội về góp vốn đầu tư, mua lại các dự án khai khoáng và ký kết các hợp đồng dài hạn ở mức giá thỏa thuận trước với bên ngoài. Ở cấp vĩ mô, chính phủ khuyến khích việc thành lập các tập đoàn lớn.

Xu hướng mở rộng khai thác hướng ngoại của Trung Quốc kéo dài trong suốt thập kỷ 90 của thế kỷ trước cho tới cuối năm ngoái, khi nhu cầu tiêu thụ khoáng sản trong nước suy giảm đến mức chính phủ phải ra chỉ thị ngừng đầu tư ra nước ngoài, thu hẹp trọng tâm khai thác vào nguồn tài nguyên nội địa.

Tuy nhiên, đầu năm nay, mặc dù nhu cầu nhập khẩu tài nguyên dài hạn vẫn đang thu hẹp, Trung Quốc đã nối lại đàm phán đầu tư vào các tập đoàn khai khoáng quốc tế như Rio Tinto and OZ Minerals.

Trung Quốc đứng vào tốp dẫn đầu về sản lượng cũng như tiêu thụ nhôm, với 19,46 triệu tấn nhôm sản lượng (chiếm 25% thế giới) và 26,12 triệu tấn nhôm tiêu thụ (35% thế giới) trong năm 2007. Vì vậy, ảnh hưởng của Trung Quốc đối với thị trường có tính chi phối trực tiếp.

Bô-xít, nguyên liệu chính trong sản xuất nhôm, là một trong những khoáng sản quan trọng nhất xét về giá trị kinh tế. Theo Ban điều tra Địa chất Hoa Kỳ, trữ lượng bô-xít của thế giới ước tính khoảng 55-75 tỉ tấn (quặng tinh), trong đó Nam Mỹ chiếm 33%, châu Phi 27%, châu Á 17%, châu Đại Dương 13% và các khu vực khác chiếm 10% còn lại. Với tốc độ khai thác như hiện nay, ước tính rằng trữ lượng bô-xít chỉ có thể đáp ứng nhu cầu cho ngành chế biến nhôm của thế giới trong vòng 170 năm nữa.

Trong vài năm qua, nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu nhôm của Trung Quốc gia tăng do cầu vượt cung. Dự báo rằng trong vòng 10 năm nữa, với sự bùng phát của các ngành xây dựng, giao thông vận tải và công nghiệp bao bì của Trung Quốc, nhu cầu về nhôm và alumin (nguyên liệu thô để sản xuất nhôm, được tinh chế từ quặng bô-xít – ThienNhien.Net) sẽ còn tăng mạnh.

Trong ngành sản xuất nhôm, Tập đoàn Nhôm Trung Hoa (Chinalco) là đơn vị hàng đầu. Đây cũng là một tập đoàn vững mạnh về tài chính trong ngành khai khoáng. Năm 2008, Chinalco công bố kế hoạch đầu tư 19,5 tỉ USD vào Rio Tinto – một trong những tập đoàn khai khoáng lớn nhất thế giới. Chinalco cũng bành trướng ra toàn cầu thông qua việc mua lại các mỏ khai thác khoáng sản ở Úc, Canada và Peru.

Bên cạnh đó, một số đơn vị lớn khác là Tập đoàn nhôm Chalco (thành lập năm 2001) và Công ty Minmetals (thuộc nhà nước). Năm 2007, Chalco đã mua lại 7% cổ phiếu của tập đoàn Alcoa của Mỹ, còn Minmetals đang mua lại OZ Minerals (một công ty khai thác vàng và đồng ở Lào) với giá khoảng 1,2 tỉ USD.

Chiến lược khai thác láng giềng

Trong cơn khát nguyên liệu cho ngành nhôm, Trung Quốc nhìn thấy tiềm năng lớn ngay ở láng giềng của mình là ba nước Đông Dương. Cả ba nước Lào, Việt Nam và Cam-pu-chia đều có nguồn tài nguyên bô-xít dồi dào, tuy nhiên, việc khai thác vẫn còn nhỏ lẻ và bị trì hoãn trong suốt một thời gian dài.

Trong ba nước, Việt Nam có tiềm năng lớn nhất về tài nguyên bô-xít, ước tính khoảng 5,4 tỉ tấn, 98% tập trung ở khu vực Tây Nguyên. Còn ở Lào, dựa trên giá trị của nhôm năm 2007, tài nguyên bô-xít ở cao nguyên Bolaven phía Nam Lào ước tính khoảng 3,2 tỉ USD.

Bô xít của Cam-pu-chia có ở tỉnh Mondulkiri, ở vùng Đông Bắc. Tuy nhiên, không có số liệu chính thức nào về ước tính giá trị của nguồn tài nguyên này.

Mặc dù lựa chọn ba nước hạ lưu Mê Kông làm đối tác chiến lược đầu tư, song bản thân việc đánh giá được mức sản lượng cũng như nhu cầu tiêu thụ tiềm năng của

Trung Quốc không hề dễ dàng.

Trung Quốc mang đến cho đối tác của mình những gói đầu tư kèm theo hỗ trợ “mềm mỏng” và linh hoạt. Các nhà đầu tư Trung Quốc thúc đẩy việc nâng cấp cơ sở hạ tầng ở Nam Lào,  thành lập liên doanh với các công ty của Úc và Lào. Họ cũng hứa sẽ vận động chính phủ cung cấp tín dụng ưu đãi cho Việt Nam để xây dựng tuyến đường sắt kéo dài từ Tây Nguyên ra biển, dành riêng cho việc vận chuyển bô-xít.

Ở Việt Nam, các công ty Trung Quốc liên quan chủ yếu tới quy trình kỹ thuật xây dựng để thiết lập các nhà máy tinh chế alumin. Cho đến nay, trong ba nước Đông Dương, cũng mới chỉ Việt Nam đặt quan hệ hợp tác cấp cao trong vấn đề khai thác bô-xít với Trung Quốc. Năm 2006, lãnh đạo hai nước đã ký kết bản ghi nhớ về hợp tác khai thác bô-xít khu vực Tây Nguyên. Bản ghi nhớ này tập trung vào việc khai thác quặng bô-xít và xây dựng nhà máy tinh luyện alumin với trị giá đầu tư 1,3 tỉ USD.

Ở cả ba quốc gia, Luật khoáng sản còn nhiều kẽ hở, chẳng hạn như thiếu các quy định rõ ràng về thuế và cơ chế chi trả thuê mỏ, hệ thống điều hành phức tạp. Một phần là do chính phủ các nước này còn thiếu kinh nghiệm quản lý đối với đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực khai khoáng. Việc quản lý tài nguyên vẫn do nhà nước nắm giữ, chưa có sự chuyển giao.

Bên cạnh đó, vấn đề công khai thông tin vẫn bị đánh giá là thiếu một cách trầm trọng, khiến cho việc đánh giá các kế hoạch nhằm giảm thiểu tác động môi trường của các công ty khoáng sản gặp nhiều khó khăn. Năng lực, sự quyết tâm của chính phủ trong việc điều tiết ngành khoáng sản và việc đảm bảo tuân thủ luật pháp của các công ty chưa đủ mạnh.

Kinh nghiệm ở Việt Nam cho thấy báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được lập cốt để đối phó với thủ tục hành chính. Các vấn đề môi trường được nêu lấy lệ, rất chung chung. Việc thực hiện các khuyến nghị ĐTM thường không được giám sát chặt chẽ. Kế hoạch hoàn trả môi trường hậu khai thác và thúc đẩy dự án nhiều khi bị bỏ qua trong các báo cáo ĐTM.

Khu vực hạ lưu Mê Kông cung cấp cho Trung Quốc cơ hội khai thác bô-xít rẻ, gần về khoảng cách. Tuy nhiên, các điểm mỏ không phải dễ tiếp cận do điều kiện cơ sở hạ tầng nói chung còn yếu kém.

Năng lượng ổn định là một trong những yêu cầu cốt yếu cho quy trình khép kín từ khai thác quặng bô-xít đến sản xuất nhôm thành phẩm. Trong khi  khai thác bô-xít và sản xuất nhôm không tiêu tốn nhiều điện năng (chỉ khoảng 200-250MW cho mỗi tấn nhôm) thì việc nung chảy alumin đòi hỏi tới 14.000MW/tấn.

Do Lào và Cam-pu-chia sẽ đẩy mạnh việc phát triển thủy điện trên các lưu vực sông để xuất khẩu điện sang các nước láng giềng nên nếu Trung Quốc đặt các nhà máy tinh chế alumin sẽ tận dụng được chi phí cơ hội. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra khi giá điện được bán ở mức 2,5–3,5 cents/kilowatt (100 cent = 1 USD), trong khi thực tế hiện nay Lào đang bán điện với giá 5–6 cents/kilowatt. Như vậy là không khả thi về mặt kinh tế.

Một lựa chọn mà các công ty có thể theo đuổi là dừng ngay ở giai đoạn alumin và bán trực tiếp. Tuy nhiên, alumin không hề dễ vận chuyển chút nào.

Khai thác bô xít được cảnh báo có thể gây ra những tác động lớn tầm khu vực, bao gồm sự mất đi nguồn lợi thủy sản, thay đổi chế độ thủy văn của các con sông cũng như chất lượng nước, nguồn tài nguyên ảnh hưởng đến sinh kế và những người dân sinh sống trong vùng mỏ. Trong quá trình khai thác bô-xít có thải các chất độc theo quy định phải được kiểm soát an toàn.

Trường hợp khai thác bô-xít ở Lào khu vực gần Cam-pu-chia là một ví dụ. Đã có những mối quan ngại từ phía Cam-pu-chia về việc khai thác nguồn nước và chất thải công nghiệp do khai khoáng ở sông Sê Kông (thuộc lưu vực 3 con sông Sê Kông, Sê san và Srepok) có nguy cơ tác động tiêu cực cho vùng hạ lưu. Trong đó, bùn đỏ chứa hàm lượng kiềm cao, lẫn tạp chất ô nhiễm là một trong những nhân tố chủ yếu đe dọa phá hủy nguồn nước mặt và nước ngầm. Nếu điều đó xảy ra sẽ ảnh hưởng đến hàng nghìn người dân địa phương.

Hướng đến ngành khai thác bô-xít bền vững hơn

Việt Nam, Lào, và ở một chừng mực nào đó là cả Cam-pu-chia, đang phải đối mặt với một nhu cầu khai thác tài nguyên bô-xít lớn chưa từng có, phần lớn để đáp ứng nhu cầu cho nền kinh tế đang tăng trưởng của Trung Quốc.

Mặc dù các dự án khai thác sẽ đóng góp một phần nào đó vào ngân sách nhà nước, tuy nhiên, người dân sẽ được hưởng lợi gì? Câu trả lời vẫn còn mù mờ .

Không may là bô-xít nằm ngay trên chính vùng tam giác Nam Lào – Tây Nguyên – Mondulkiri (Cam-pu-chia). Đây là khu vực nhạy cảm về môi trường và có nhiều dân tộc ít người sinh sống. Kinh nghiệm ở nhiều nước cho thấy người dân địa phương vẫn thường phải chịu thiệt thòi cả về mặt kinh tế lẫn gánh nặng môi trường đằng sau những dự án khai khoáng như vậy.

Bên cạnh những chính sách phát triển kinh tế, cả ba quốc gia đều đã có hệ thống văn bản pháp luật về môi trường và xã hội đối với lĩnh vực khai khoáng, chẳng hạn như quy định về ĐTM. Tuy nhiên, các quy định pháp luật này vẫn chưa được thực thi một cách đầy đủ.

Cũng bởi ngành công nghiệp khai thác bô-xít mới bắt đầu, thậm chí chưa tiến hành được khâu cơ bản là thăm dò, nên càng đặt ra nhu cầu cấp thiết hoàn thiện các quy định pháp luật về khai thác khoáng sản và củng cố năng lực để thực thi các chính sách.

Bản thân các chính sách về môi trường và xã hội của Trung Quốc cũng ngày càng được xiết chặt. Trung Quốc đang giữ vai trò đầu tàu trong việc giúp cho ngành công nghiệp khai thác hướng đến mục tiêu bền vững hơn.

Khi các công ty Trung Quốc hướng ngoại để tìm kiếm cơ hội đầu tư, họ sẽ phải áp dụng luật pháp và quy định của nước sở tại. Tuy nhiên, ở những khía cạnh mà luật pháp những nước này lỏng lẻo hơn so với Trung Quốc, chính Trung Quốc có cơ hội để trở thành quốc gia đi đầu về đầu tư khai thác tài nguyên bô-xít một cách thân thiện và bền vững.

Điều này có thể đạt được bằng việc áp dụng và đảm bảo phù hợp với các nguyên tắc và thông lệ, chẳng hạn như bộ Nguyên tắc Xích đạo (là một bộ hướng dẫn tự nguyện tham gia đối với các ngân hàng nhằm đảm bảo tính bền vững trong việc tài trợ các dự án dựa trên các tiêu chuẩn hoạt động của Tổ chức tài chính quốc tế IFC) và Quy định của Hiệp hội quốc tế về khai khoáng và phát triển kinh loại bền vững.

Ngoài ra, Trung Quốc cần giám sát một cách sát sao các khoản đầu tư hải ngoại và thắt chặt các quy định về đầu tư. Mặc dù vậy, điều này không thể phụ thuộc và việc Trung Quốc đơn phương thực hiện. Chính phủ Trung Quốc cần thiết lập quan hệ chiến lược với các quốc gia có công ty Trung Quốc hoạt động để hỗ trợ họ cải thiện các quy định chặt chẽ hơn và áp dụng thông lệ chung.


Nguồn: Báo cáo “In search of aluminum: China’role in Mekong region” do Quỹ the Heinrich Böll Stiftung, Quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Viện Phát triển bền vững quốc tế (IISD) phối hợp thực hiện.