Hà Nội: Không thể tiếp tục chôn lấp rác

ThienNhien.Net – Môi trường Thủ đô lại có thêm lo ngại mới trước thông tin Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, ông Nguyễn Văn Lưỡng cho hay, hiện 3/5 bãi rác của TP. Hà Nội sắp đầy. Đó là các bãi Nam Sơn, Xuân Sơn và Núi Thoong.


Bãi chôn lấp chất thải rắn tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn sẽ được lấp đầy vào năm 2011 nếu vẫn tiếp tục duy trì khối lượng chất thải chôn lấp như hiện tại, trung bình 3.000 tấn/ngày và có thể sẽ tăng lên trung bình 4.000 tấn/ngày trong 2 năm tới.

Hiện tại, bãi Nam Sơn đã lấp đầy 6,5/9 ô chôn lấp.Tương tự, bãi chôn lấp chất thải rắn tại Xuân Sơn hiện cũng đã lấp đầy 10/11 ô và vẫn tiếp nhận xử lý trung bình 100 tấn/ngày, dự kiến vào cuối năm 2009 sẽ lấp đầy bãi. Bãi rác Núi Thoong hiện do Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai quản lý đã lấp đầy ô số 1 và ô số 2. UBND TP đã chỉ đạo thi công ngay ô số 3 để tiếp tục tiếp nhận xử lý trung bình 100 tấn rác/ngày. Như vậy, việc thiếu bãi chôn lấp rác sẽ là một khó khăn rất lớn đối với thành phố.

Chôn lấp rác đến bao giờ ?

Được biết, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt (rác thải) của TP. Hà Nội hiện nay ước khoảng 5.000 tấn/ngày, trong đó có khoảng 3.500 tấn là chất thải sinh hoạt đô thị và khoảng 1.500 tấn chất thải sinh hoạt nông thôn. Bên cạnh đó còn có chất thải rắn công nghiệp khoảng 750 tấn/ngày.
Về chất thải rắn y tế nguy hại của một số bệnh viện, hiện đã được thu gom và xử lý tập trung tại lò đốt chất thải rắn y tế Cầu Diễn với công suất 5 tấn/ngày, phần tro xỉ được đóng rắn và chôn lấp.

Việc xử lý, tiêu huỷ, tái chế chất thải rắn hiện tại chủ yếu vẫn dựa vào chôn lấp tại các bãi: Nam Sơn (Sóc Sơn) với khối lượng trung bình khoảng 3.000 tấn/ngày, Kiêu Kỵ (Gia Lâm), Xuân Sơn (Sơn Tây), Núi Thoong (Chương Mỹ) và Nhà máy xử lý rác Cầu Diễn, Seraphin Sơn Tây.
Theo điều tra, mỗi năm trung bình Hà Nội “sản sinh” khoảng 30.000 tấn chất thải công nghiệp nguy hại, trong khi đó chỉ có duy nhất 1 lò đốt rác công nghiệp công suất nhỏ (4,8 – 5 tấn/ngày) tại Nam Sơn (Sóc Sơn). Đây cũng là cơ sở xử lý chất thải công nghiệp độc hại bằng phương pháp đốt duy nhất tại miền Bắc. Thế nên, ngoài việc “gánh” rác thải nguy hại của cả Hà Nội, lò đốt “mi-ni” này còn là “niềm trông mong” của cả khu kinh tế trọng điểm phía Bắc!

Thử tính, nếu mỗi ngày lò này xử lý 5 tấn rác, tức mỗi năm (365 ngày) “kết liễu” được hơn 1.800 tấn. Với khoảng 30.000 tấn chất thải công nghiệp nguy hại phát sinh riêng trên địa bàn Hà Nội, thì hàng chục nghìn tấn rác nguy hại kia sẽ đi đâu?

Hà Nội trước nay đã tốn không biết bao nhiêu tiền vì… rác! Đơn cử, chỉ vận chuyển rác thải tồn đọng từ các xã Võng La, Đại Mạch, Kim Chung, Hải Bối, xung quanh KCN Thăng Long huyện Đông Anh đến Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn, ngân sách TP mỗi năm đã phải chi 93.980 đồng/tấn!

Phải xử lý rác bằng phương pháp lò đốt hiện đại

Để có thể xử lý toàn bộ khối lượng chất thải nguy hại cần đốt theo qui định cho Hà Nội và toàn bộ khu kinh tế trọng điểm phía Bắc, cải thiện môi trường, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng dân cư – theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi, hiện rất cần một cơ sở xử lý rác công nghiệp đúng tiêu chuẩn, xử lý được đa dạng chất thải công nghiệp nguy hại (cả rắn, lỏng) theo các cấp độ và yêu cầu kỹ thuật khác nhau. “TP cần đầu tư nhà máy xử lý đốt rác 2.000 tấn vì nếu chôn lấp rác mãi thì không đủ đất và gây ô nhiễm môi trường”, lãnh đạo TP. Hà Nội xác nhận.
Tuy nhiên, các dự án xử lý rác theo phương pháp đốt hiện đại hiện còn đang ở “thì tương lai”. Được biết, Hà Nội đã đề xuất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đăng ký Dự án xây dựng lò đốt chất thải công nghiệp tại Nam Sơn công suất 50 tấn/ngày, đêm sử dụng vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc. Nếu “xuôi chèo mát mái”, đến 2010 Hà Nội mới hoàn thành lò quay kèm thiết bị xử lý khí thải đồng bộ này, bởi tổng vốn đầu tư dự kiến xấp xỉ 34,5 triệu USD!

Được biết, trong 34,5 triệu USD này, vốn ODA dự kiến sẽ chiếm 80% (theo hình thức vay ưu đãi, ngân sách Trung ương cấp phát 30%, cho vay lại 70% vốn ODA), còn vốn đối ứng là 20% (chủ dự án tự cân đối).

Với rác thải sinh hoạt thông thường, những năm qua, Hà Nội đã rất mong chờ sự hoàn tất của Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác thải Thanh Trì (tại xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì), công suất thiết kế xử lý khoảng 300 tấn rác thải sinh hoạt/ngày nhưng tiếc rằng dự án này gặp khá nhiều trục trặc và không biết bao giờ mới khởi động được ?!

Việc cần kíp trước mắt để xử lý rác, bảo vệ môi trường Thủ đô đã được HĐND TP hối thúc và giao UBND TP Hà Nội ngay trong năm nay phải
hoàn thành quy hoạch về quản lý chất thải rắn trên địa bàn TP. Rồi triển khai thêm một số mô hình thu gom, vận chuyển theo phương thức xã hội hoá phù hợp với đặc thù của từng khu vực, đặc biệt là khu vực nông thôn.

UBND TP đã giao cho các Sở: Xây dựng, Quy hoạch – Kiến trúc, Tài nguyên – Môi trường và các huyện khẩn trương trình địa điểm xây dựng nhà máy xử lý rác thải và công nghệ xử lý tại các huyện Thạch Thất, Chương Mỹ, Phú Xuyên…; giao cho huyện Thạch Thất thí điểm chọn nhà đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải theo phương thức xã hội hoá (có cơ chế ưu đãi, giúp nhà đầu tư thu hồi vốn). Thành phố yêu cầu các Sở, ngành hướng dẫn huyện tháo gỡ những vướng mắc, loại bỏ những thủ tục hành chính rườm rà để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.

Tiếp đó, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư mở rộng Khu xử lý chất thải rắn Nam Sơn, khu xử lý Xuân Sơn; triển khai dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt với công nghệ hiện đại, dự kiến đặt tại Nam Sơn hoặc Đồng Ké.