Bình Châu – Phước Bửu: Rừng, núi, hồ và biển

ThienNhien.Net – Bình Châu – Phước Bửu là khu bảo tồn (KBT) thiên nhiên còn giữ được hệ sinh thái tự nhiên nguyên sinh, ít bị tác động, có tiềm năng du lịch đa dạng bao gồm cả núi, rừng, suối, hồ và biển với sức hấp dẫn lớn. Đây là một trong những kho tàng quý giá, là di sản ít ỏi của thiên nhiên ban tặng và là khu dự trữ sinh quyển có tính đa dạng sinh học cao.

KBT Bình Châu – Phước Bửu được thành lập với mục đích: Bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, phục vụ nghiên cứu khoa học, vui chơi giải trí, du lịch sinh thái và các nhu cầu khác của xã hội. Đây là nơi vừa tham quan cảnh quan tự nhiên của rừng vừa tham quan cảnh đẹp của biển, rất phù hợp với các loại hình du lịch nghỉ ngơi thư giản, nghiên cứu khoa học, thể thao, leo núi, cắm trại, tắm biển…

Rừng Bình Châu – Phước Bửu là khu rừng tự nhiên hiếm còn lại trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có tính đa dạng sinh học cao. Về môi trường, đây là khu rừng nằm sát biển có lợi ích to lớn trong việc chắn gió bão, đảm bảo bình yên cho cuộc sống của hàng chục nghìn người dân các xã ven biển.

Với diện tích 11.293ha, rừng Bình Châu-Phước Bửu có thảm thực vật nguyên sinh vô cùng phong phú, gồm 113 họ, 408 chi, 661 loài, trong đó có nhiều loài rất quý hiếm hiếm như: Cẩm lai, Gõ đỏ, Gõ mật, Kơ nia, Giáng hương, Bình linh nghệ, Sơn đào, Giền trắng… Động vật cũng rất đa dạng, có 70 họ, 29 bộ, 178 loài, trong đó 96 loài chim, 33 loài bò sát.

Bên cạnh đó, KBT này còn có tài nguyên hồ và biển vô cùng dồi dào. Khoảng 43km sông, suối lớn nhỏ, thường có nước quanh năm, sông suối ngắn dưới 10km gồm : Sông Hỏa, suối Cát, suối Nhỏ, suối Bang… Có các bàu và hồ có nước quanh năm như : bàu Nhám, bàu Đắng, Hồ Cốc, Hồ Tràm, Hồ Linh, Hồ Tròn và Hồ Núi le… có thể sử dụng nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch sinh thái. Đặc biệt phía đông bắc có suối nước khoáng nóng Bình châu với nhiệt độ từ 60-800C được phun lên từ trong lòng đất.

Tuy nhiên, hiện nay KBT Bình Châu – Phước Bửu đang đứng trước nguy cơ bị xâm phạm. Do vậy, trước mắt, phải chấm dứt ngay việc canh tác nông nghiệp, chăn thả gia súc ở vùng lõi. Có chính sách kiểm kê, đền bù số diện tích dân lân chiếm trước đây chuyển đổi diện tích này vào quỹ đất địa phương cho dân sản xuất. Đền bù và triệt hạ toàn bộ số cây phi mục đích lâm nghiệp trên diện tích này để đưa vào khoanh nuôi, trồng mới và tái tạo lại rừng trên số đất trống. Tiếp tục đầu tư làm mới và sửa chữa hàng rào bảo vệ trên toàn bộ diện tích này.

Đặcbiệt cần có những biện pháp quản lý bảo vệ rừng hữu hiệu nhất để quản lý người ra vào rừng nhằm ngăn chặn ngay từ đầu các hành vi vi phạm. Giảm bớt những áp lực mà những người bảo vệ rừng đang phải gánh chịu trong công tác bảo vệ rừng. Như vậy, rất cần sự vào cuộc kịp thời của các cấp, các ngành, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.