Quảng Bình: Áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi

ThienNhien.Net – Vốn quen với lối chăn nuôi nhỏ lẻ một vài con lợn theo quy mô hộ gia đình nên việc nuôi lợn của nhiều hộ gia đình ở xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình thường mang lại hiệu quả kinh tế không cao. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, ở thôn Vĩnh Tuy 4, xã Vĩnh Ninh có một hộ gia đình đã thực sự thành công trong việc chăn nuôi lợn nhờ biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật hợp lý. Đó là gia đình anh Đỗ Văn Hoá.

Khác với nhiều mô hình chăn nuôi lợn của các gia đình khác, khi có khách tới thăm, vợ chồng anh Đỗ Văn Hoá đều yêu cầu phải vào phòng tiệt trùng, tắm rửa sạch sẽ, mặc đồng phục và ủng bảo hộ của trại. Tuy hơi bất tiện và tốn mất gần 30 phút, nhưng theo anh Hoá, đó là nội quy nghiêm ngặt của trại, mà hàng ngày những ai vào ra đều phải thực hiện nghiêm túc. Cũng nhờ thực hiện nghiêm ngặt các khâu vệ sinh chuồng trại và khử trùng, tiệt trùng nên từ khi khởi nghiệp chăn nuôi đến nay, lợn của gia đình anh Hoá chưa bao giờ bị bệnh, luôn khoẻ mạnh và chóng lớn.

Anh Đỗ Văn Hoá kể, 10 năm trước, kinh tế gia đình anh khá khó khăn. Trong quá trình làm thuê khắp nơi, anh Hoá được biết có nhiều hộ gia đình nghèo đã vươn lên làm giàu từ các mô hình chăn nuôi lợn. Sau 5 năm làm thuê đủ nghề, năm 2000 anh Hoá trở về nhà và bàn với vợ quyết định thành lập trại chăn nuôi lợn ngay tại khu vườn nhà mình đang ở. Để bắt tay vào xây dựng trại lợn, anh Hoá đã xác định được một điều, muốn chăn nuôi thành công thì phải nắm vững khoa học kỹ thuật, cách phòng trị bệnh cho cũng như kỹ thuật pha chế thức ăn và cho lợn ăn hàng ngày…

Để có kiến thức về chăn nuôi, việc đầu tiên mà vợ chồng anh Hoá đã thực hiện, đó là hàng ngày, thay nhau theo dõi các chương trình khuyến nông và hướng dẫn chăn nuôi được Đài Truyền hình Trung ương, Đài Tiếng nói Việt Nam phát rồi chịu khó ghi chép lại cẩn thận. Ngoài ra anh chị còn mua nhiều sách, báo, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi về tham khảo. Mỗi lần đọc báo, nghe đài, thấy có địa chỉ hộ gia đình nào trong vùng chăn nuôi lợn thành công là vợ chồng anh không quản ngại đường xa tìm đến tham quan, học hỏi…

Nhờ chăm chỉ, chịu khó nghiên cứu, học hỏi từ nhiều nguồn khác nhau, chỉ một thời gian sau, cả hai vợ chồng anh Hoá đã nắm vững các kỹ thuật chăn nuôi lợn thịt, cách nuôi lợn đực giống và lợn nái cũng như kiến thức về phòng trị các loại bệnh tật và phá chế thức ăn cho lợn… Có kiến thức về chăn nuôi, nhưng chưa có vốn, vợ chồng anh Hoá đã mạnh dạn thế chấp nhà cửa để vay 20 triệu đồng từ Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Quảng Ninh để đầu tư xây dựng trại nuôi lợn giống. Mấy năm đầu, do thiếu vốn, việc dựng chuồng trại của gia đình anh còn tạm bợ nên anh cũng chỉ chăn nuôi cầm chừng vài con lợn thịt và nuôi thêm gà vịt, ngan, ngỗng để lấy ngắn nuôi dài.

Nhờ làm tốt khâu vệ sinh chuồng trại, việc phòng trừ dịch bệnh và cho ăn đúng khẩu phần theo trọng lượng của lợn, nên 5 con lợn lứa đầu của gia đình anh Đỗ Văn Hoá rất chóng lớn. Lứa đầu xuất chuồng, vợ chồng anh đã thu được 2 triệu đồng tiền lãi. Có thêm chút vốn và kinh nghiệm chăn nuôi, lứa lợn tiếp theo vợ chồng anh Hoá đã nuôi 10 con lợn thịt và thu lãi được 6 triệu đồng… Sau khi cải tạo lại chuồng trại, đến nay trong trại chăn nuôi của gia đình anh Hoá đã có trên 100 con lợn thịt, 3 con lợn nái và 01 con lợn giống, mỗi năm trừ chi phí, vợ chồng anh đã lãi được gần 60 triệu đồng.

Khởi nghiệp từ 2 bàn tay trắng, đến nay cuộc sống gia đình anh Đỗ Văn Hoá đã thực sự thay đổi, vợ chồng anh chị vừa xây dựng được một ngôi nhà khá khang trang, sắm sửa nhiều đồ dùng phục vụ cho sinh hoạt của gia đình và nuôi 5 người con ăn học đến nơi, đến chốn, có công ăn, việc làm ổn định.

Khi nói về sự thành công của mô hình chăn nuôi lợn gia đình anh Đỗ Văn Hoá ở thôn Vĩnh Tuy 4, đồng chí Hà Châu, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ninh còn cho biết thêm, bên cạnh việc phát triển chăn nuôi của gia đình, 3 năm trở lại đây, vợ chồng anh Đỗ Văn Hoá còn rất nhiệt tình tư vấn, giúp đỡ kỹ thuật chăn nuôi lợn cho nhiều hộ gia đình trong thôn, trong xã. Mỗi khi Khuyến nông xã mở các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi lợn, khi được mời làm báo cáo viên, vợ chồng anh Hoá đều rất nhiệt tình tham gia. Ngoài ra, mỗi khi lợn các hộ gia đình trong thôn, xã bị bệnh cần giúp đỡ, vợ chồng anh Hoá cũng rất nhiệt tình và chưa bao giờ từ chối…

Nhờ sự tư vấn, hướng dẫn tận tình của vợ chồng anh Đỗ Văn Hoá, mà đến nay có trên 15 hộ gia đình ở thôn Vĩnh Tuy 4 cũng đang xây dựng trại chăn nuôi lợn của gia đình khá thành công, góp phần xoá đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu.