Đồn điền độc canh: Rừng trồng hay sa mạc xanh?

ThienNhien.Net – Từ năm 1980 đến nay, diện tích các đồn điền độc canh của vùng nhiệt đới đã tăng gần 5 lần. Lo ngại rằng xu hướng này nếu ngày càng mở rộng sẽ gây suy thoái chất lượng môi trường, làm giảm tính đa dạng của các hệ sinh thái tự nhiên và ảnh hưởng đến xã hội, các nhà hoạt động môi trường đã phát động một chiến dịch phản đối rộng khắp, lấy ngày 21 tháng 9 hàng năm làm Ngày Quốc tế chống lại những đồn điền độc canh.

Ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương, đặc biệt ở Malaysia, Indonesia và Papua New Guinea, người ta đã chuyển đổi những cánh rừng tự nhiên rộng lớn thành các đồn điền cọ. Malaysia còn dự định mở rộng ngành công nghiệp dầu cọ sang cả Amazon – khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới. Ở Châu Phi, ngoài cọ là bạt ngàn những vườn cây cao su, cacao. Nigeria, Cameroon, Liberia, Swaziland và Nam Phi là những nước phát triển mạnh mẽ những vườn cây độc canh này và đang phải chịu tác động. Còn ở Brazil, Argentina, Chile, Ecuador, và Uruguay phổ biến là những đồn điền thông và bạch đàn.

Sandy Gautlett, đến từ Liên minh môi trường và người bản địa khu vực Thái Bình Dương cho rằng những đồn điền thuần loại chỉ là một hệ thống nông nghiệp đồng nhất, không thể nào có được sự đa dạng phong phú của một hệ sinh thái rừng tự nhiên và thay thế nó.

Còn Simone Lovera, thuộc Liên minh Rừng toàn cầu phát biểu “Đồn điền độc canh là một phần của quá trình sản xuất công nghiệp với nguồn nguyên liệu thô dồi dào rẻ mạt từ các nước đang phát triển giàu tài nguyên. Những gì mà những nước này nhận lại chính là sự suy thoái môi trường và tăng đói nghèo song những khoản “chi phí vô hình” này đã bị đặt ngoài lề.”

Gia tăng biến đổi khí hậu và gây suy giảm đa dạng sinh học

Lâu nay, nhiều người lập luận rằng những đồn điền cây công nghiệp cũng góp phần hấp thụ khí carbon, tuy nhiên, một báo cáo nghiên cứu đăng trên tờ “Nature” đã kết luận ngược lại. Báo cáo này cho biết những rừng cây sống lâu đời có thể chứa Carbon trong hàng thế kỷ, trong khi những đồn điền và những khu rừng trẻ lại làm tăng lượng khí thải carbon do quá trình cày xới đất đai và sự biến mất hoặc suy thoái của hệ sinh thái trước đó.

Một vài nghiên cứu khác cũng đã cho thấy rằng khi một hệ sinh thái bị biến thành các đồn điền độc canh, tính đa dạng sẽ bị mất đi. Một khu rừng nguyên sinh chứa hàng triệu triệu loài trong khi những vườn cây công nghiệp chỉ cho phép một vài loài định cư và sinh tồn.

Một nghiên cứu ở Amazon cho thấy việc chuyển đổi một phần rừng nguyên sinh thành đồn điền độc canh đã làm mất đi 25% số loài, các loài chim, lưỡng cư và bò sát cũng giảm 40% đến 60%, đó là chưa kể đến những mất mát tổng thể khác.

Trong khi đó, ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương, rừng chuyển đổi sang đồn điền cọ đã gây ra 83% mất mát về đa dạng sinh thái. 11 triệu hecta trồng cọ thay thế rừng kéo theo nguy cơ biến mất rất nhiều loài động thực vật của khu vực này. Trong đó, riêng Malaysia, đã chiếm tới 4.4 triệu hecta, tương đương 13% lãnh thổ quốc gia này.

Ảnh hưởng tiêu cực lên xã hội

Năm 2008, ba nhóm Phong trào Bảo vể Rừng nhiệt đới, Người bạn của Trái đất, và Liên minh Rừng toàn cầu đã thống nhất và công bố bản danh sách những vấn đề về môi trường và xã hội tiềm ẩn do chịu tác động tiêu cực của những đồn điền độc canh, trong đó có đề cập đến các yếu tố như: gây suy giảm nguồn nước do ảnh hưởng đến khả năng điều tiết nước, ô nhiễm nước và không khí do sử dụng thuốc trừ sâu và những chất hoá học nông nghiệp khác, kéo theo việc tái định cư và những hệ quả về sinh kế, môi trường, trật tự xã hội…

Rất nhiều cộng đồng bị ảnh hưởng trước đây đã từng có một cuộc sống truyền thống và bền vững trong hàng thế kỷ trước khi bị những vuờn cây công nghiệp làm ảnh hưởng. Họ dựa vào đất đai của mình làm kế sinh nhai.

Một vài nghiên cứu cho thấy so với mô hình nông lâm kết hợp và quản lý rừng cộng đồng, những đồn điền cây công nghiệp ít góp phần giải quyết việc làm tại địa phương hơn bởi quá trình cơ giới hóa, nhập khẩu lao động cũng như thu hoạch, chế biến đại trà với những yêu cầu nhất định và khác biệt đã cản trở cơ hội tham gia của người dân sở tại.

Những bất công, chẳng hạn như sử dụng lao động trẻ em, cũng là một vấn đề cần bàn. Năm ngoái, Hội nghị bảo vệ trẻ em Indonesia đã cáo buộc các chủ đồn điền cọ Malaysia về việc bóc lột sức lao động trẻ em. Nhóm này cho biết có khoảng 72.000 trẻ đã bị đưa vào làm việc ở các đồn điền cọ này mà không có giấy tờ quản lý hợp pháp nào. Số trẻ này đều không được đến trường.

Sự khuyến khích của các chính phủ

Mặc dù những đồn điền độc canh mang lại những tác động tiêu cực về mặt đa dạng sinh thái, biến đổi khí hậu và người dân địa phương song vì nhiều nguyên nhân, trong đó có yếu tố kinh tế chi phối, nhiều chính phủ vẫn khuyến khích và phát triển hình thức này.

Gauntlett nhận định “Ngay cả các Tổ chức quốc tế như FAO, Ngân hàng thế giới, cũng như những cơ quan chính phủ ở một số quốc gia, chẳng hạn như New Zealand, cũng định nghĩa sai rằng những đồn điền độc canh là rừng, dù có rất nhiều tài liệu đã chứng minh rằng rừng và đồn điền độc canh có một đặc điểm chung duy nhất là sự tồn tại của cây cối. Coi chúng là rừng chính là họ đang ủng hộ việc áp đặt và duy trì một mô hình sản xuất không bền vững.

Nghị viện châu Âu mới đây xúc tiến việc phát triển nhiên liệu sinh học thế hệ thứ hai có nguồn gốc từ gỗ và những doanh nghiệp lâm nghiệp ở Mỹ cũng đang cố gắng thuyết phục chính phủ điều này. Những nhà hoạt động xã hội cho rằng nhu cầu về gỗ gia tăng sẽ dẫn đến sự mở rộng diện tích các đồn điền độc canh trên toàn thế giới. Ngay cả chính sách quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính cũng có thể góp phần mở rộng nhanh chóng loại hình canh tác này. Một số quốc gia hi vọng rằng sẽ thu được lợi ích kinh tế khi triển khai trồng rừng quy mô hưởng ứng Công ước khung về biến đổi khí hậu. Song, thực tế là, những đồn điền rừng trồng để thế chỗ cho những cánh rừng tự nhiên trước đó là nguồn phát thải, chứ không phải những bể lưu giữ cácbon.

Từ trước tới nay, ngày 21-9 là ngày thế giới vì hòa bình, và từ giờ trở đi, nó cũng sẽ là ngày thế giới cần nhìn nhận đúng hơn về những đồn điền độc canh để những cộng đồng bị ảnh hưởng có thể khôi phục cách sống của họ, hoà nhập với thiên nhiên và với những cộng đồng khác.