Cuộc sống hoang dã ở Chư Yang Sin qua bẫy ảnh

ThienNhien.Net – Trong tháng 2 và đầu tháng 3 năm 2009, Dự án “Lồng ghép quản lý nguồn nước và bảo tồn đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia (VQG) Chư Yang Sin, tỉnh Đắk Lắk” do Tổ chức Birdlife quốc tế tại Việt Nam thực hiện, đã tiến hành hoạt động lắp đặt bẫy ảnh với mục đích ghi lại hình ảnh của các loài động vật đang hiện hữu tại VQG này. Kết quả kiểm tra vào ngày 12 và 13/03/2009 đã ghi nhận được ảnh chụp 7 loài thú, gồm các loài nai, mang, mang lớn, khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi lợn, lợn rừng và nhím. Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng đây là lần đầu tiên tại Việt Nam bẫy ảnh chụp được loài mang lớn ngoài tự nhiên.

Một điều khá thú vị là chỉ trong vòng 1 tháng đặt bẫy ảnh tại Chư Yang Sin, lại rơi vào mùa khô, nhưng kết quả thu được khá nhiều hình ảnh về các loài thú (thường thì mùa khô các loài móng guốc di chuyển rộng hơn để kiếm ăn). Điều này chứng tỏ quần thể các loài động vật hiện đang tồn tại ở Chư Yang Sin khá đông đúc và phong phú. Và nếu như hoạt động này luôn được duy trì thì Chư Yang Sin sẽ còn rất nhiều điều thú vị về cuộc sống hoang dã được ghi nhận trong tương lai.

 
 
Nai (Cervus unicolor) là loài lớn nhất trong họ hươu nai Cervidae, sống ở nhiều sinh cảnh rừng: rừng thưa, rừng rụng lá, rừng thứ sinh ven vạt cỏ. Nai sống theo đàn hoặc đơn lẻ, thường kiếm ăn đêm. Ở Việt Nam, nai chỉ còn thấy với số lượng không nhiều ở các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam bộ. 
 
 Mang lớn (Muntiacus vuquangensis), hay còn gọi là mang Vũ Quang, là một dạng hươu nai có kích thước trung bình. Nó là loài mang lớn nhất, được phát hiện năm 1994 tại vườn quốc gia Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh, Việt Nam và ở miền trung của Lào. Đây có lẽ là lần đầu tiên tại Việt Nam sử dụng bẫy ảnh chụp được loài mang lớn ngoài tự nhiên.
 
 
 
 
 Mang (Muntiacus muntjak) là loài mang phổ biến, còn gọi là hoẵng. Chúng có trọng lượng nhỏ hơn các loài cùng chi, thường sống ở những cánh rừng thưa, rừng quanh nương rẫy đồi cây, trảng cỏ cây bụi. Đây là loài đặc hữu ở vùng Đông Dương. Ở nước ta, mang phân bố chủ yếu ở phía Nam.
 
 
 
Lợn rừng (Sus scrofa) là loài duy nhất thuộc họ lợn Suidae phân bố ở nước ta, chúng có mặt khắp các tỉnh miền núi và trung du. Lợn rừng sống trong tất cả các dạng sinh cảnh, từ rừng thứ sinh, rừng thưa, ven các nương rẫy… 
 
 
 
Khỉ đuôi lợn (Macaca nemestrina) có lông đuôi rất ngắn giống đuôi lợn, nên gọi là khỉ đuôi lợn. Chúng thường sống ở rừng già trên núi đá vôi, hoạt động kiếm ăn ban ngày cả ở thung lũng, rừng thưa trên núi đất gấn núi đá. Ở Việt Nam, chúng phân bố khá rộng nhưng bị săn bắn khá nhiều nên số lượng còn lại rất ít. 
 
 
 
Khỉ mặt đỏ (Macaca arctoides) có thân to khỏe, mặt mầu đỏ thẫm có lông thưa thớt, lưng lông dài rậm màu nâu đỏ hoạc nâu xám, chân và đuôi có màu giống thân. Đây cũng là một trong những loài đang bị đe dọa do săn bắn quá mức. Ở nước ta, chúng phân bố chủ yếu ở các tỉnh miền núi, dọc dãy Trường Sơn và khu vực Tây Nguyên.
 
 
Nhím (Hystrix brachyuran) là một trong những loài gặm nhấm kiếm ăn vào ban đêm, có khả năng thích nghi với nhiều môi trường khác nhau, từ rừng nguyên sinh đến rừng suy thoái. 

Hiện nay, một số nơi ở nước ta cũng đã thực hiện đặt bẫy ảnh như Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa (Quảng Trị), các VQG Bạch Mã, Pù Mát, Phong Nha – Kẻ Bàng, Yok Đôn, Cát Tiên, Cúc Phương… Việc sử dụng bẫy ảnh tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn có ý nghĩa rất quan trọng vì đây chính là nguồn cung cấp minh chứng tốt nhất ghi nhận sự xuất hiện hoặc tồn tại của các loài động vật tại các khu bảo tồn, đặc biệt là các loài quý hiếm. Tuy nhiên, chi phí cho bẫy ảnh khá tốn kém nên biện pháp này chưa được phổ biến.