Hợp tác quốc tế ngăn chặn nạn buôn bán ĐVHD

ThienNhien.Net – Buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) trái phép là một ngành kinh doanh mang lại khoản lợi nhuận kếch xù cho một số kẻ và hiện đang ngày càng phát triển trên phạm vi toàn thế giới. Mặc dù, những nỗ lực của mỗi quốc gia trong việc ngăn chặn và kiểm soát hoạt động buôn bán trái phép là rất cần thiết nhưng nếu chỉ dừng lại ở phạm vi từng quốc gia thì những nỗ lực đó rất khó đạt được kết quả cuối cùng. Những đối tượng buôn bán trái phép và các tổ chức tội phạm thường hoạt động vượt ra ngoài phạm vi biên giới quốc gia. Chính vì vậy, nỗ lực ngăn chặn nạn buôn bán ĐVHD trái phép rất cần sự hợp tác chặt chẽ của các cơ quan chức năng giữa các nước. Từ nhu cầu này, Mạng lưới thực thi pháp luật ngăn chặn nạn buôn bán ĐVHD tại các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN WEN) được thành lập từ năm 2005 với mục tiêu tăng cường hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật tại các quốc gia Đông Nam Á trong nỗ lực chống lại tội phạm ĐVHD.

Ở Việt Nam, nguồn cung cấp ĐVHD từ nước ngoài thường được vận chuyển qua biên giới từ Campuchia và Lào bằng đường bộ hoặc đường biển. Chỉ một số ít trong số này được tiêu thụ trong nước còn chủ yếu là xuất sang Trung Quốc. Một số chuyên gia cho rằng, Việt Nam là “cửa sau”, cung cấp nguồn ĐVHD sang Trung Quốc. Một lô hàng tê tê có nguồn gốc từ đảo Sulmatra (Inđônêxia) có thể sẽ được vận chuyển qua 6 quốc gia trước khi tới Trung Quốc.

Khỉ thường bị buôn lậu từ Lào vào các trang trại ở Viêt Nam, sau đó được “phù phép” trước khi xuất khẩu sang Hồng Kông hay Trung Quốc và từ đó, lại được tái xuất sang Mỹ và Châu Âu. Hổ từ Campuchia, Myanma và Thái Lan cũng bị buôn lậu vào Việt Nam để nuôi nhốt tại các trang trại hoặc để nấu cao. Ngoài ra, một số đối tượng người Việt Nam hiện cũng đang bị tình nghi tham gia vào mạng lưới buôn lậu sừng tê giác từ Nam Phi. Một số loài khác như kỳ đà, rắn, rùa nước ngọt và các loài ĐVHD khác bị vận chuyển trái phép từ Lào, Campuchia sang và trung chuyển lậu qua Việt Nam gần như hằng ngày. Đây thực sự là một vấn đề toàn cầu chứ không có ranh giới nào cả.

Cuộc chiến ngăn chặn các tội phạm ĐVHD đòi hỏi sự thực thi pháp luật hiệu quả tại mỗi quốc gia nhằm truy bắt những kẻ buôn lậu, ngăn chặn các hành vi buôn lậu và giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ ĐVHD. Tuy nhiên, những nỗ lực này cũng cần được thực thi trên quy mô quốc tế và tạo điều kiện cho cơ quan thực thi pháp luật của các nước hợp tác thường xuyên. Chúng ta cần nhận thức rõ sự cần thiết phải chia sẻ thông tin điều tra về các vụ việc có tính chất xuyên quốc gia và hợp tác toàn diện trong qua trình điều tra nhằm giúp các quốc gia thành viên khối ASEAN loại trừ các mạng lưới tội phạm lớn.

Dưới đây là một số vụ việc điển hình thể hiển sự hợp tác xuyên quốc gia.

Vụ tịch thu tê tê ở Hải Phòng là đầu mối phát hiện tê tê tại một nhà kho ở Inđônêxia

Vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3 năm 2008, Cục Hải quan Tp. Hải Phòng đã phát hiện và tịch thu 2 lô hàng hơn 24 tấn vẩy tê tê và thịt tê tê đông lạnh vận chuyển trái phép từ Inđônêxia. Dựa trên các chứng từ do Cục Hải quan Tp. Hải Phòng cung cấp thông qua Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) và Hiệp hội Bảo tồn ĐVHD (WCS) ở Inđônêxia, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm Inđônêxia đã bất ngờ khám xét kho hàng của một đối tượng bị tình nghi buôn bán ĐVHD trái phép ở thành phố Palembang, miền Nam Sumatra, Inđônêxia và phát hiện 14 tấn tê tê đã đánh vẩy được đóng kiện là cá đông lạnh.

Cơ quan điều tra đã bắt giữ 14 đối tượng tình nghi liên quan tới vụ việc. Tiếp đó, cảnh sát Inđônêxia còn phát hiện thêm một kho hàng khác chứa rất nhiều vẩy tê tê. Theo luật pháp Inđônêxia, các đối tượng vi phạm có thể sẽ phải chịu mức án tù lên tới 5 năm và mức phạt hành chính tương đương 170 triệu đồng Việt Nam cho hành vi buôn lậu tê tê.

Đây là một ví dụ điển hình về sự hợp tác hiệu quả giữa các cơ quan chức năng Việt Nam và Inđônêxia trong việc phát hiện mạng lưới lớn buôn bán tê tê và bắt giữ các đối tượng liên quan.

Hải quân Philippin bắt giữ vụ vận chuyển đồi mồi

Vào tháng 8, Đội tuần tra Hải quân Phi-lip-pin đã bắt giữ một tàu đánh cá của Việt Nam tại đảo Palawan và phát hiện hơn 100 con rùa biển đã chết được cất giấu trong khoang tàu. Cơ quan chức năng Phi-lip-pin đã bắt giữ thuyền trưởng và 12 ngư dân Việt Nam. Tất cả 13 ngư dân này đã bị khởi tố hình sự và hiện đang bị tạm giam ở Phi-lip-pin.

Với sự hỗ trợ từ Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (WWF) tại Phi-lip-pin và ENV, cơ quan chức năng Phi-lip-pin đã chuyển giao thông tin liên quan đến vụ việc cho Cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Cục Cảnh sát Môi trường, các cơ quan Hải quan ở Việt Nam và Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, nơi tàu đánh cá nói trên được đăng ký cấp phép. ENV đã đề nghị các cơ quan chức năng ở Quảng Ngãi nâng cao nhận thức về pháp luật cho các ngư dân ở địa phương, giúp họ hiểu được việc đánh bắt và giết mổ rùa biển tại các đảo ở Phi-lip-pin là vi phạm pháp luật nước này. Người vi phạm chắc chắn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và có thể bị tù giam. Vụ việc hiện vẫn đang được điều tra, làm rõ thêm.

Mỹ: món quà hổ nhồi bông dẫn đến án phạt và điều tra hình sự

Tháng 12 năm 2007, cơ quan hải quan Sân bay quốc tế San Francisco (Mỹ) phát hiện và tịch thu một con hổ nhồi bông. Con hổ nhồi bông này được vận chuyển từ Tp. Hồ Chí Minh đến Mỹ để làm quà tặng cho một người Mỹ gốc Việt. Người nhận món quà nói trên đã thú nhận trước Tòa án Mỹ và chịu mức phạt 5,000 USD (tương đương 86 triệu VNĐ) đồng thời giao nộp con hổ nhồi bông cho Cơ quan bảo tồn hổ.

Với sự hỗ trợ của ENV, Cơ quan Bảo tồn ĐVHD và Động vật biển của Mỹ đã liên hệ với Tổng Cục Hải quan Việt Nam và Cục Cảnh sát Môi trường để tiếp tục điếu tra vụ việc. Trong trường hợp này, sự hợp tác giữa cơ quan chức năng 2 nước Việt Nam và Mỹ sẽ tạo điệu kiện thuận lợi cho việc xác định nguồn gốc của con hổ này cũng như người đã gửi con hổ nhồi bông sang Mỹ. Hơn nữa, việc điều tra này có thể sẽ giúp phát hiện thêm các trường hợp vi phạm liên quan đến buôn bán hổ cũng như các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng khác ở Việt Nam và các nước láng giềng.