Xây dựng Luật Bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, hải đảo

ThienNhien.Net – Theo Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Biển và Hải đảo Nguyễn Văn Cư, năm 2009, Tổng cục sẽ điều tra nghiên cứu xây dựng “Luật Bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, hải đảo”; Rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật về biển đảo để xây dựng cơ sở dữ liệu pháp luật về biển, đảo; Xây dựng hệ thống quan trắc tổng hợp tài nguyên môi trường, khí tượng thủy văn biển; Xây dựng bến đỗ cho đội tàu nghiên cứu, khảo sát biển…

Ông cũng đề nghị lãnh đạo Bộ Tài nguyên & Môi trường phối hợp với Bộ Nội vụ sớm thúc đẩy việc thành lập hệ thống các phòng quản lý biển và hải đảo trực thuộc Sở TN&MT của 28 tỉnh, thành phố có biển.

Với mục tiêu xuyên suốt từ nay cho đến 2015, Tổng cục Biển và Hải đảo tập trung phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường biển. Theo đó, Tổng cục tiếp tục xác định vị trí, chức năng quan trọng của quản lý Nhà nước về biển đảo, nghiên cứu kỹ Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, hình thành kịch bản hoạt động quản lý Nhà nước của Tổng cục một cách lâu dài. Từ đó xây dựng khung hệ thống văn bản luật pháp, trong đó có các cơ chế chính sách về biển và các định mức kinh tế kỹ thuật.

Để thực hiện tốt các mục tiêu này, Tổng cục đã có kế hoạch đào tạo đội ngũ nguồn nhân lực làm công tác quản lý Nhà nước về biển vững mạnh ngay từ bây giờ, có chính sách và cơ chế đào tạo cụ thể. Tổng cục rất chú trọng đến vai trò chủ đạo trong quy hoạch biển. Khâu nối những quy hoạch đơn lẻ đã có như quy hoạch du lịch biển, quy hoạch cảng biển…để quy hoạch tổng thể về biển đảo với kiến thức tổng hợp sẽ đạt được mục tiêu xuyên suốt nêu trên. Bên cạnh đó, Tổng cục thực hiện tổng điều tra tài nguyên và môi trường biển nhằm xây dựng ngân hàng dữ liệu, số liệu tin cậy về biển. Trên cơ sở kịch bản tổng thể, các đơn vị sẽ triển khai cụ thể, rà soát những số liệu đã có, đề ra những dữ liệu cần điều tra mới.

Hiện việc khai thác tài nguyên biển cũng như khai thác mặt nước, không gian biển vẫn còn nhiều bất cập chồng chéo dẫn đến chưa ai quản lý hoặc không chịu trách nhiệm. Do vậy, nhiệm vụ của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam là xây dựng tổng thể những “phép tắc” về khai thác biển và công bố công khai, việc khai thác cụ thể có thể phân cấp cấp phép… Trước mắt, Tổng cục sửa đổi điều chỉnh bổ sung các dự án thuộc Đề án 47 về “Điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên – môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020” theo hướng những dự án cốt tử về biển sẽ đưa về Tổng cục chủ trì chính, các đơn vị khác cùng phối hợp, tôn trọng đề cương đã được duyệt. Những dự án khác cho dù đơn vị nào triển khai thực hiện, cũng phải hướng tới mục tiêu phục vụ tốt nhất cho công tác quản lý Nhà nước về biển đảo của Tổng cục Biển và Hải đảo.