Xử lý rác thải y tế ở Việt Nam – Bao giờ ?

ThienNhien.Net – Ước tính, cứ 4 kg rác thải y tế thì có 1 kg mang các mầm bệnh. Do vậy rác thải y tế có thể trực tiếp ảnh hưởng lêm sức khỏe con người và gây ra các dịch bệnh. Thế nhưng ở Việt nam chúng ta vấn đề xử lý loại chất thải này vẫn còn bỏ ngỏ.

Không có kinh phí – Đó là lý do không mới nhưng lại rất hay được sử dụng trong hầu hết các trường hợp. Tập đoàn điện lực Việt Nam đã xin trả lại 13 dự án điện cho Nhà nước với lý do làm ăn thua lỗ, không có vốn đầu tư, nhưng lại trích ngân sách hơn 1.000 tỉ đồng làm tiền thưởng. Hơn 90% nước thải của thành phố Hà Nội không được xử lý, được bơm thẳng ra sông Hồng, lý do nêu ra vẫn là không có kinh phí.

Hoặc sự vụ gần đây nhất là việc dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương. Trung tâm này đã dự báo mưa sai, không dự báo được đường đi của bão số 9, có nơi mưa đến gần 1000 mm mà vẫn báo là “mưa nhỏ”. Lý do được nêu ra chỉ có thể do thiết bị lạc hậu hoặc trình độ nhân lực hạn chế, nếu vậy thì phải có tiền để mua trang thiết bị và đào tạo lại nguồn nhân lực. 

Trở lại vấn đề xử lý chất thải y tế trong các bệnh viện hiện nay. Trả lời chất vấn của các Đại biểu quốc hội tháng 11/2008, ông Nguyễn Quốc Triệu, Bộ trưởng Bộ y tế cho biết: Hiện nay mới chỉ có 40% rác thải y tế được xử lý thông qua đốt bằng các lò đạt tiêu chuẩn, 33% đột bằng các lò thủ công, 27% đốt ngoài trời hoặc không được xử lý. Về nước thải vẫn còn 30%chưa được xử lý.

Việc đốt rác thải nói chung ở các lò thủ công chiếm 37%, đây chỉ là một giải pháp tình thế. Khi đốt rác ở nhiệt độ thấp thì nguy cơ sinh ra các chất độc hại hơn  là điều không thể tránh khỏi, nhưng chúng ta vẫn đang tiến hành. Không những thế theo lời Bộ trưởng chúng ta lại còn đốt cả ở ngoài trời nữa thì quả thật là không thể tin được.

Tại một số nước tiên tiến trên thế giới từ thập kỷ 90 người ta đã đi nghiên cứu các công nghệ thu hồi khí thải sau khi đốt chất thải y tế. Mục tiệu nhằm giảm đến mức thấp nhất các tác hại mà chất thải này có thể gây ra cho con người. Còn tại Việt Nam chúng ta ngay cả vấn đề xây dựng lò đốt đạt chuẩn cũng chưa làm được chứ chưa nói đến công nghệ sau đốt.

Theo ông Nguyễn Quốc Triệu, để có thể xây dựng hệ thống xử lý rác thải, chất thải y tế phải cần tới 2.000 tỉ đồng, lý do vẫn là kinh phí. Nhưng điều mà chúng ta quan tâm là khi nào thì việc xây dựng các nhà máy này hoàn thành và vận hành thì vẫn chưa có ai đứng ra trả lời.