Trung Quốc: Minh bạch hóa thông tin môi trường

ThienNhien.Net – Điều luật mới của Trung Quốc về quy định công khai thông tin từ phía chính phủ đã nhận được nhiều thiện cảm và sự ủng hộ của các nhà hoạt động môi trường và những người dân quan tâm. Tuy nhiên những yếu kém trong quá trình tư pháp vẫn chưa được giải quyết.

Những quy định về công khai thông tin từ phía chính phủ Trung Quốc có hiệu lực từ ngày  01/05/2008 đã tạo ra một bộ khung pháp lý cho việc công khai dữ liệu môi trường mà chính phủ nắm giữ. Vấn đề tiếp theo là phải tìm ra cách thực hiện những quy định đó một cách hiệu quả nhất.

Ba tháng sau khi các quy định có hiệu lực, Chính phủ Trung Quốc đã công bố nhiều thông tin về môi trường hơn. Từ 09/06-26/06 năm 2008, có thêm 1000 thông tin mới được bổ sung vào cơ sở dữ liệu dùng cho việc lập bản đồ ô nhiễm nước và không khí, so với con số 2000 trong giai đoạn 2004 -2006. Những qui định mới cũng làm tăng thêm sự chú ý của công chúng. Ngày 30/06, mục thông tin chính phủ trên website thành phố Bắc Kinh đã có 15 triệu lượt truy cập, các quan chức đã trả lời câu hỏi của 25.000 người và đưa ra 520 thông tin được yêu cầu.

Tuy nhiên, nhiều vấn đề vẫn nảy sinh khi công chúng yêu cầu công khai những thông tin cụ thể. Nguời dân thành phố Bắc Kinh đã hỏi về cam kết sử dụng đất và tài nguyên của chính quyền, mà cụ thể là việc sử dụng đất tại khu làng mới Mentou nhưng họ chỉ nhận được những tài liệu phê chuẩn quy hoạch đất. Những câu trả lời lạc đề, thông tin không tồn tại hoặc không thể công bố là những gì mà người dân nhận được khi có yêu cầu được cung cấp thông tin một cách chi tiết.

Rất nhiều người dân thường xuyên ghé thăm các kênh pháp luật nhưng hiệu quả của quá trình pháp lý vẫn còn hạn chế. Theo một nghiên cứu sơ bộ, Chính phủ Trung Quốc quản lý 80% thông tin về môi trường, thông tin của chính phủ cung cấp vẫn chưa đáp ứng được những mong đợi của công chúng.

Đạo luật Tự do thông tin của Anh có hiệu lực từ năm 2000 nhưng phải đến năm 2005 người dân mới được tiếp cận với những quyền cơ bản của đạo luật này. Trao những thách thức trong việc quản lý thông tin cho chính phủ, tại Trung Quốc, quá trình này có lẽ sẽ còn kéo dài lâu hơn nữa. Trong những trường hợp trên, một số thông tin trong thực tế không tồn tại, đã biến mất hoặc không thể khôi phục, cũng không loại trừ trường hợp những thông tin này được che đậy một cách có chủ ý.  Hơn nữa, việc không cung cấp thông tin hoặc trì hoãn việc công bố dữ liệu mà không phải chịu bất cứ hình phạt nào đồng nghĩa với việc chính phủ vẫn chưa thực sự mặn mà tham gia.

Các chuyên gia nhận định mặc dù còn tồn tại những hạn chế nhưng không ai có thể phủ nhận những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc trong thời gian qua, thông qua những quy định mới nhằm tạo ra một nền tảng pháp lý mà người dân có quyền được biết. Xã hội dân sự cần khuyến khích chính phủ công khai thông tin. Trong suốt quá trình này, các phương tiện truyền thông đóng một vai trò thiết yếu trong việc công bố các điều luật và trong những trường hợp cần thiết, có thể can thiệp, thống nhất cũng như củng cố những nỗ lực của công chúng.

Chính phủ nên có những nhân viên kiểm tra để giám sát sự minh bạch thông tin; thiết lập những quá trình cụ thể trong việc quản lý thông tin, bao gồm quản lý việc thu thập, lưu trữ, duy trì, trao đổi và công bố thông tin; thu thập và công bố những số liệu về minh bạch thông tin theo một nền tảng chính quy; và nên áp đặt việc xử phạt chính phủ, quan chức chính phủ nếu không công bố thông tin kịp thời.

Người dân nên được tham dự các phiên toà, sự giải thích về quyền hành pháp và luật pháp nên làm rõ quyền và nghĩa vụ của cộng đồng cũng như chính phủ. Toà án có thể quy định thời hạn cho việc công khai thông tin và quyết định việc bồi thường trong những trường hợp thông tin không được công bố. Chỉ khi thực hiện được những điều này chúng ta mới có được một hệ thống tự do thông tin hoàn chỉnh.

Trung Quốc còn đang trong giai đoạn đầu thực hiện việc minh bạch hóa thông tin, nhưng bài học kinh nghiệm của quốc gia này hoàn toàn có ích cho các nước đang phát triển khác, trong đó có Việt Nam.