Lúa sẽ tích luỹ nhiều Asen trong điều kiện luôn ngập nước

ThienNhien.Net – Các nhà khoa học phát hiện ra rằng trong điều kiện ngập nước lúa sẽ tích luỹ nhiều Asen hơn so điều kiện hiếu khí. Từ phát hiện này, họ đã tìm ra cách thức để tránh cho các độc tố này xâm nhập vào chuỗi thức ăn.

Asen là một kim loại nặng, khi tích luỹ trong cơ thể sẽ gây ra bệnh ung thư và một số bệnh hiểm nghèo khác. Trong những nghiên cứu mới đây, Bangladesh và Ấn Độ là những “vùng nóng” về tích luỹ Asen trong đất, đặc biệt là trên các cánh đồng lúa nước.

Fang Jie Zhao và các đồng nghiệp đến từ Viện Nghiên Cứu Rothamsted, Anh đã so sánh nồng độ Asen trong lúa nước trồng theo phương thức truyền thống ở các quốc gia Nam Á và lúa nước trồng trong điều kiện hiếu khí (rễ của cây lúa không ngập trong nước). Kết quả cho thấy với cùng một loại gạo như nhau, nhưng lượng Asen trong lúa non và hạt thóc được trồng trong điều kiện ngập nước cao gấp 10 -15 lần so với lúa được trồng trong điều kiện không ngập nước thường xuyên.

Tác giả nghiên cứu cho biết khi đất trồng ngập nước, điều kiện khử làm cho nồng độ Asen hoà tan trong nước tăng lên, chúng sẽ được rễ lúa hấp thu một cách dễ dàng và tích luỹ trong hạt. Do đó, với kỹ thuật trồng lúa không ngập nước thường xuyên không chỉ giúp cho người nông dân tiết kiệm nguồn nước tưới vốn đang ngày càng khan hiếm mà còn làm giảm thiểu lượng Asen tích luỹ trong sản phẩm.

Theo kinh nghiệm sản xuất lâu nay thì lúa nước là cây trồng ưa nước. Do đó, điều kiện hiếu khí có thể làm giảm sản lượng cây trồng. Tuy nhiên, hiện nay, các nhà khoa học nông nghiệp đã nghiên cứu và trồng thử nghiệm thành công kỹ thuật trồng lúa nước không ngập nước thường xuyên nhưng vẫn đảm bảo về năng suất cây trồng.

Kết quả thí nghiệm còn cho thấy gạo được trồng trong điều kiện hiếu khí chứa nhiều nguyên tố dinh dưỡng vi lượng như Kẽm, Đồng, Mangan, và Magiê.

Huan Yizong, một nhà khoa học đến từ Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Sinh thái – Môi trường, Viện Hàn Lâm Khoa Học Trung Quốc cho rằng những kết quả nghiên cứu trên là rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, ông cũng đề nghị các nhà nghiên cứu nên tiến hành thí nghiệm với nhiều giống lúa khác nhau để có thể chứng minh rằng sự tích luỹ Asen trong lúa ở điều kiện ngập nước là không phụ thuộc vào giống lúa.

Ông Zhao cũng là đồng tác giả của nghiên cứu về cơ chế hấp thụ Asen của lúa. Nghiên cứu này đã chỉ ra hai loại protein có vai trò quan trọng trong việc vận chuyển Asen vào cây trồng. Trong đó, một loại là cổng vận chuyển Asen từ ngoài vào trong tế bào và loại protein còn lại là yếu tố kiểm soát dòng vận chuyển Asen từ rễ tới thân và hạt.

Nghiên cứu cũng cho thấy axít silic có khả năng cản trở dòng vận chuyển Asen từ đất vào rẽ cây. Kết quả này đã làm nảy sinh ý tưởng rằng chúng ta có thể hạn chế lượng Asen tích luỹ trong cây trồng bằng cách bổ sung các khoáng Silic trong đất.