Dự án bèo lục bình

Với sự tài trợ của Nhà nước Luxembourg, Đại học Cần Thơ vừa triển khai dự án “Sản xuất nông thủy sản và năng lượng tái tạo từ lục bình và chất thải”. Dự án này sẽ giúp tận dụng thân, xác lá lục bình để chế biến thành gas đun nấu, thức ăn gia súc…

Để tìm “đầu ra” cho cây lục bình mọc hoang dưới nước, dự án “Sản xuất nông thủy sản và năng lượng tái tạo từ lục bình và chất thải” (gọi tắt là dự án bèo lục bình) do Đại học Cần Thơ thực hiện vừa được triển khai tại tỉnh Hậu Giang. Dự án này do Nhà nước Luxembourg tài trợ. hiện đang được triển khai.

Theo đó, nước ép lục bình được ủ để sản xuất gas đun nấu, xác lá và thân lục bình được phơi khô dùng làm chất nền trồng nấm, rễ lục bình dùng để sản xuất phân. Ngoài ra, xác lá và thân lục bình cũng được ủ chua để làm thức ăn cho gia súc.

Thời gian gần đây nhiều tuyến kênh rạch ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long xuất hiện lục bình dày đặc làm cản trở dòng chảy và gây khó khăn cho các phương tiện tham gia đường thủy. Không chỉ vậy, lục bình còn làm nghẹt các điểm lấy nước tưới tiêu của người dân và là “nhà” cho muỗi sinh sôi gây bệnh cho con người.

Do lục bình sinh sản rất nhanh làm cho các thực vật dưới nước rất khó sống sót gây nên sự mất cân bằng hệ thống sinh thái nhỏ trong nước dẫn tới việc một số loài động vật tồn tại nhờ vào sự đa dạng của thực vật bị cạn kiệt dần.

Hiện một số nơi phát triển được nghề đan đát hàng thủ công mỹ nghệ thì lục bình được người dân cắt bán với giá khoảng 200 đồng/kg (phơi khô giá khoảng 2.000 đồng/kg). Tuy nhiên, một số nơi người dân cho rằng lục bình là “tai họa” nên đã dùng thuốc diệt cỏ để diệt lục bình làm cho môi trường nước càng trở nên ô nhiễm.

Với dự án nói trên, lục bình sẽ là nguồn tài nguyên giúp nông dân thoát nghèo, cải thiện môi trường hiệu quả bởi dự án giúp nông dân một số “công nghệ” chế biến lục bình.