Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh): Sức lan tỏa mô hình lâm sản nhiều tầng ở Cẩm Mỹ

Mục tiêu của ngành lâm nghiệp hiện tại cũng như trong tương lai là phát triển bền vững tài nguyên rừng và bảo vệ tính đa dạng sinh học, bảo vệ động thực vật quý hiếm, đồng thời phát triển công nghiệp chế biến vừa và nhỏ.

Từ đó góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân miền núi, xã hội hoá nghề rừng, nâng cao vai trò và giá trị đóng góp của ngành lâm nghiệp vào phát triển kinh tế quốc dân, trong đó lâm sản ngoài gỗ đóng một vai trò quan trọng đặc biệt đối với người dân sống gần rừng. Lâm sản ngoài gỗ là nguồn lâm sản quan trọng góp phần phát triển kinh tế cho nông dân nghèo vùng núi, cải thiện sinh kế bền vững, đồng thời góp phần bảo vệ rừng một cách hiệu quả. Nhưng trong các thập kỷ qua việc khai thác lợi dụng nguồn lâm sản ngoài gỗ một cách tự phát và ồ ạt đã và đang làm cạn kiệt nguồn lợi này.

Để bảo tồn và phát triển nguồn lâm sản ngoài gỗ cho vốn rừng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh đã được sự hỗ trợ của Dự án lâm sản ngoài gỗ của tỉnh nhằm: Xây dựng và thử nghiệm các mô hình trình diễn về bảo tồn và phát triển lâm sản ngoài gỗ bền vững, góp phần tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho cộng đồng địa phương sống gần rừng.

Năm 1998, dự án đã hỗ trợ xây dựng mô hình tại nhiều xã trong huyện trong đó có Cẩm Mỹ, như hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ cây giống. Dự án đã cung cấp 30 ngàn giống cây mây tắt đồng thời hướng dẫn kỹ thuật trồng theo phương thức phân tán xung quanh vườn nhà. Sau khi trồng được 4 năm, cây mây đã cho thu hoạch lứa đầu và sản phẩm được các làng nghề truyền thống ưa chuộng nên bán được giá từ 7.000 – 7.500đ/kg.

Mô hình này triển khai theo phương thức trồng mây thâm canh kết hợp với việc phát triển lâm sản ngoài gỗ nhiều tầng. Đây là mô hình nông, lâm kết hợp lấy mây tắt làm cây chủ đạo. Trong thời gian chờ mây khép tán, nông dân có thể trồng xen các loại cây ngắn ngày khác như: Khoai mài, hương bài, nhân trần, chè vằng và các loại cây nông nghiệp như sắn, ngô, khoai lang, lạc, các cây che bóng làm giá đỡ cho mây như cây thừng mực, dó trầm…

Từ mô hình lâm sản nhiều tầng này, người nông dân có thể tận dụng cả về diện tích đất, không gian ánh sáng, tăng thu nhập thường xuyên và cuối cùng là tăng hiệu quả kinh tế trên 1 đơn vị diện tích gieo trồng. Từ những hỗ trợ ban đầu của dự án, chương trình khuyến nông như tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ cây giống, phân bón và tổ chức cho các hộ nông dân đi tham quan học tập ở các địa phương, thấy được hiệu quả từ cây mây đưa lại, nhiều hộ đã tham gia tích cực.

Trao đổi về việc phát triển mô hình này, ông Kiều Thanh Bình- Chủ tịch UBND xã Cẩm Mỹ cho biết: “Từ hiệu quả kinh tế của cây mây, trong thời gian qua nhiều hộ ở trong và ngoài xã đã đến tham quan, học tập trao đổi kỹ thuật, kinh nghiệm trồng mây. Hiện trên địa bàn xã đã có gần 200 hộ trồng được hơn 20 ngàn cây mây tắt, mây nếp trong đó có trên 100 hộ trồng 10 sào trở lên, tiêu biểu như hộ ông Ngọ xóm 4, bà Thảo xóm 4, bà Tam, anh Phương… là những hộ đã xây dựng được mô hình trồng thâm canh rừng nhiều tầng, mỗi mô hình trồng từ 5 – 10 ngàn cây mây tắt.

Theo tính toán của các hộ thì trồng mây chi phí lao động thấp, sản phẩm dễ bán, thương lái đến thu mua tại vườn giá cao. Cây mây sau 4 năm trồng cho khai thác lứa đầu tiên, năng suất 5-6 tấn/ha, năm thứ 6 trở đi nhờ tỷ lệ đẻ nhánh theo theo cấp số nhân nên năng suất bình quân từ 12-15 tấn/ha, tương đương với giá trị từ 90-100 triệu đồng/ha”.

Theo kế hoạch trong thời gian tới xã sẽ mở rộng diện tích trồng mây ra nhiều hộ trên địa bàn vẫn với phương thức nông lâm kết hợp, trồng mây cải tạo vườn tạo, trồng làm giàu rừng… nhằm tạo nguồn thu nhập cho các hộ nông dân. Những kết quả mà dự án lâm sản ngoài gỗ và chương trình khuyến nông đã mang lại cho người dân Cẩm Mỹ là ngoài sự mong đợi. Mô hình không những mang lại hiệu quả kinh tế mà còn tạo điều kiện cho các hộ nông dân nắm vững những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp nông dân đổi mới tư duy, suy nghĩ trong cách làm kinh tế bền vững từ rừng và đất rừng.