Rừng “vàng” một thuở (kỳ 2)

ThienNhien.Net – Chiến lược giữ rừng tốt là gì? Chắc chắn không phải là bảng báo cáo dày hàng chục trang của các ngành chức năng khi đặt ra chỉ tiêu hằng năm phải phấn đấu trồng bao nhiêu rừng và giữ bao nhiêu rừng… Vấn đề cốt yếu ở đây là làm thế nào để người dân dưới tán rừng không bị nghèo, tạo cho họ quen dần cảm giác làm chủ rừng và là chủ thật sự, trên tất cả là rừng phải mang lại được lợi ích kinh tế nhất định cho họ.

Rừng “vàng” một thuở (Kỳ 1)

Đáp án nào cho bài toán dân sinh?

Theo anh Phan Minh Chí, Phó giám đốc Cty Lâm nghiệp U Minh I, để người dân thật sự gắn bó với rừng thì điều cần thiết là lợi ích kinh tế từ rừng mang lại phải đảm bảo cuộc sống của người dân dưới tán rừng. Nhưng trong thực tế, kinh tế rừng tràm mấy năm qua chưa thỏa mãn yêu cầu đó.

Mặc dù đề án 24 của UBND tỉnh Cà Mau ra đời mỗi năm đều tăng thêm mức hưởng lợi cho người dân, nhưng với vốn rừng nghèo kiệt, trồng theo phương pháp tự nhiên truyền thống, 12 năm mới tới chu kỳ khai thác, mức hưởng lợi bình quân của người dân ở Cty Lâm nghiệp U Minh I là 1,2 triệu đồng/ ha mỗi năm là quá thấp, người dân không thể trụ nổi dưới tán rừng.

Bước đột phá mấy năm gần đây được xem là hướng mở cho rừng tràm, đó là chuyển sang trồng tràm thâm canh, năng suất cao, rút ngắn chu kỳ khai thác xuống gần một nửa thời gian so với phương pháp trồng tràm quảng canh truyền thống trước đây. Nhưng cái khó lại nảy sinh, người dân không có vốn đầu tư, không thể thực hiện đại trà được, giá cây tràm lại ngày càng giảm, khó tiêu thụ đã đẩy người dân càng xa rừng hơn.

Cuộc sống của người dân dưới tán rừng đước thì “dễ thở” hơn, có ngày một hộ nơi đây kiếm được hơn 1 triệu đồng nhờ nuôi tôm, bằng cả một mùa thu hoạch của một số người dân dưới tán rừng tràm. Tuy nhiên, không phải vì thế mà người dân ở rừng đước thiết tha rừng hơn. Trái lại, với sức hấp dẫn từ lợi nhuận của con tôm, họ càng tìm cách bức tử rừng để cho con tôm có nhiều đất sống. Thời gian lưu lại với người dân dưới tán rừng nơi này, tôi được nghe những mẩu chuyện cười ra nước mắt về việc người bỏ công trồng rừng rồi lén lút tự bức tử rừng.

 SaoLuoi
Phá rừng nuôi tôm ở khu vực rừng Sào Lưới, huyện Phú Tân, Cà Mau.

Vào năm 1990, việc giao khoán đất rừng ở khu vực rừng đước Năm Căn – Ngọc Hiển được diễn ra. Trước đó rừng tự nhiên tại khu vực này gần như bị băm nát bởi làn sóng dân bao chiếm, phá rừng nuôi tôm. Khi chủ trương giao khoán có hiệu lực thì buộc mỗi hộ được giao khoán phải cam kết giữ tỉ lệ diện tích trồng rừng 60% và diện tích nuôi tôm 40%.

Từ đó, nơi đây xuất hiện cụm từ “con tôm ôm cây đước”. Nhưng “cuộc hôn nhân chắp vá” ấy nhanh chóng đổ vỡ bởi nó không mang lại lợi ít kinh tế cho người dân nhận khoán đất rừng.

Nhiều năm qua, xung đột giữa con tôm và cây đước cứ diễn ra một cách âm thầm, nhưng không kém phần cam go, quyết liệt. Chính xác hơn đó là sự xung đột giữa rừng và chính những người chủ rừng.

Trong tâm thức của người nhận khoán đất rừng, họ đã xem việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng như một nghĩa vụ bắt buộc chứ không phải là cứu cánh mưu sinh, thậm chí nhiều người còn cho rằng rừng là một phần tác nhân làm cho họ nghèo đi.

Nếu như 1 ha nuôi tôm mỗi năm có thể thu hoạch được lợi nhuận hơn 40 triệu đồng, trong khi cùng diện tích ấy trồng rừng với chu kỳ 14 năm khai thác một lần cũng chỉ thu được lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng. Mặt khác, độ che phủ của rừng càng cao thì con tôm càng khó phát triển. Chỉ so sánh đơn giản vậy thôi, thì đã không ít người sẵn sàng tính chuyện bức tử rừng khi nhận thấy sự phát triển của nó bắt đầu xâm hại đến con tôm, cũng là chạm đến nồi cơm của họ.

Họ bức tử rừng bằng nhiều cách, như ví nước cho rừng ngập úng mà tự chết, hoặc đập dập vỏ cây cho cây mất dinh dưỡng chết dần rồi báo với lực lượng kiểm lâm là rừng chết do bị… chuột cắn. Hiện tượng lạ lùng này đã được một số nhà chuyên môn kiểm chứng cách nay vài năm và kết luận là thật, sau khi họ chặt một khúc cây đước bỏ vào lồng chung với một con chuột(!)

Để giải quyết sự xung đột ngày càng sâu nặng giữa con tôm và cây đước, năm 2005, chủ trương tách tôm ra khỏi rừng đã ra đời. Có điều, chủ trương được nhiều người đánh giá là sáng kiến và phù hợp ấy đã vấp phải một bài toán khó là kinh phí cải tạo đất, nên việc thực hiện đến nay vẫn còn bỏ ngỏ. Ông Lê Văn Kháng, Phó chủ tịch huyện Ngọc Hiển, thừa nhận chủ trương tách tôm ra khỏi rừng sẽ khó thực hiện trong một thời gian nhất định và trở ngại trước mắt là người dân chưa đồng tình, do chi phí để cải tạo đất để tách tôm ra khỏi rừng quá tốn kém.

Khi phương án tách tôm ra khỏi rừng vẫn còn là bài nháp dở dang thì các công ty lâm nghiệp trên lâm phần rừng đước nghĩ tới việc triển khai thực hiện một mô hình mới gọi là nuôi tôm sinh thái. Cụ thể, nếu hộ nào giữ được mật độ rừng 58% trên đất nuôi tôm thì được cấp giấy chứng nhận “tôm sinh thái”, được thu mua với giá ưu đãi hơn tôm thường để xuất khẩu sang Thụy Sỹ.

Tuy nhiên, đó cũng chưa phải là phương án khả thi và thuận lòng người dân nhận khoán đất rừng, vì thế việc giải quyết xung đột giữa con tôm và cây đước đến thời điểm này càng thêm rối rắm. Nhiều hộ dân nhận khoán đất rừng ở các công ty lâm nghiệp thuộc lâm phần rừng đước Năm Căn – Ngọc Hiển thừa nhận với tôi một sự thật đáng buồn, họ không thích phương thức nuôi tôm sinh thái và nếu được phép thì họ sẽ sẵn sàng phá hết rừng để nuôi tôm.

Ông Lê Trung Thành, ấp Bông Súng, xã Tam Giang (một hộ nhận khóan đất rừng Cty lâm nghiệp 184), thẳng thắng bộc bạch: “Tôi đã không ít lần bức tử rừng để chừa đất sống cho tôm. Đó cũng là đất sống cho mình. Bản thân tôi cũng như bao người dân ở đây ai cũng nhận thấy được tầm quan trọng của rừng, nhưng nồi cơm hằng ngày của chúng tôi còn quan trọng hơn gấp bội. Thử hỏi, có ai để cái bụng đói mà vào đây khư khư giữ lấy mấy cây rừng.”.

Từ những tâm tư rất thật của những người dân giữ rừng, tôi không khỏi băn khoăn cho tương lai của rừng Cà Mau. Tôi còn nhớ có lần một giám đốc công ty lâm nghiệp thuộc lâm phần rừng ngập mặn Cà Mau bảo rằng nếu không có chiến lược tốt, rừng Cà Mau sẽ mất. Vấn đề cốt yếu ở chỗ làm thế nào để người dân dưới tán rừng không bị nghèo, tạo cho họ quen dần cảm giác làm chủ rừng và là chủ thật sự, trên tất cả là rừng phải mang lại được lợi ích kinh tế nhất định cho họ.