Vườn quốc gia Tràm Chim hướng tới hình thành khu Ramsar

Mới đây, tại TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) đã diễn ra lễ ra mắt Dự án Phục hồi sinh thái Đất ngập nước Đồng Tháp Mười (ĐTM) tại Vườn quốc gia (VQG) Tràm Chim. Đây là một phần của chương trình quan hệ đối tác toàn cầu giữa Công ty Coca-Cola và Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) để bảo tồn các hệ sinh thái nước ngọt. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào khi dự án được triển khai sẽ có sự đồng thuận với cộng đồng nhằm phát triển nông nghiệp bền vững, nhưng vẫn bảo tồn được sinh cảnh để VQG này mau chóng trở thành khu Ramsar (vùng đất ngập nước đủ tiêu chuẩn theo Công ước Ramsar).

“Lộ trình” trở thành khu Ramsar

Tràm Chim là vùng sinh cảnh độc nhất ở bán đảo Đông Dương đã đạt 7 trên 9 tiêu chí của Công ước quốc tế Ramsar về đất ngập nước và cũng là 1 trong 8 vùng bảo tồn chim quan trọng nhất ở Việt Nam. Nếu không có gì thay đổi, vào tháng 10 tới đây, một cuộc họp tại Hàn Quốc sẽ được diễn ra nhằm xét công nhận VQG Tràm Chim thành khu Ramsar.

Trước mắt, WWF sẽ giúp VQG hợp tác với cộng đồng quản lý và sử dụng tài nguyên trong VQG Tràm Chim bền vững hơn cho mục đích sinh kế. Dự án được thực thi trong giai đoạn 2007-2010 với tổng kinh phí 250.000 USD/năm. Mỗi năm sẽ tập trung vào phục hồi sinh cảnh đất ngập nước, khuyến khích sử dụng tài nguyên bền vững của cộng đồng và giúp hợp lý hóa các chính sách liên quan đến quản lý đất ngập nước.

Trong những năm qua, tình trạng thâm canh nông nghiệp trong vùng cảnh quan xung quanh VQG Tràm Chim có tác động tiêu cực lên nguồn nước. Dự án sẽ hỗ trợ VQG và chính quyền giúp nông dân thực hiện các mô hình canh tác giảm sử dụng hóa chất, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch. Qua Dự án WWF, hy vọng cuối cùng của người dân địa phương là sẽ được hỗ trợ về sinh kế. Từ đó, người dân bản địa sẽ tự hào về di sản thiên nhiên còn lại của vùng đất này, góp phần tạo dấu ấn tốt đẹp của vùng sinh cảnh độc đáo duy nhất còn sót lại trong khu vực ĐTM.

Rút kinh nghiệm từ việc quản lý VQG dựa vào cộng đồng, việc phục hồi bãi năn đã tạo điều kiện đàn sếu về, tăng từ 40 con lên 126 con như hiện nay. Sự phục hồi ban đầu của sinh cảnh và các loài chim nước là dấu hiệu hứa hẹn để hy vọng hệ sinh thái đất ngập nước Tràm Chim sẽ nhanh chóng được phục hồi toàn diện. Diện tích đồng cỏ đã tăng lên gấp 3 lần kể từ khi các hoạt động phục hồi được bắt đầu từ 800 ha (năm 2005) lên 2.700 ha (năm 2007).

Phát triển nhưng phải bảo tồn…

VQG Tràm Chim có diện tích 7.588ha, nằm ở khu vực hạ lưu sông Mê Kông, vùng trũng nội địa với đồng cỏ tự nhiên có sự đa dạng sinh học rất lớn. Đây là mô hình thu nhỏ của ĐTM, một trong những mảnh còn sót lại của vùng đất ngập nước rộng lớn ngày xưa và là 1% cuối cùng ở trạng thái tự nhiên.

Theo khảo sát của Chương trình đa dạng sinh học vùng đất ngập nước lưu vực sông Mê Kông (MWBP), VQG Tràm Chim có hàng ngàn ha rừng tràm xanh ngút ngàn, với hơn 130 thực vật bản địa, hơn 120 loài cá nước ngọt, chiếm 30% loài cá của sông Cửu Long; gần 40 loài lưỡng cư bò sát và hơn 200 loài chim. Trong đó, có 32 loài chim có giá trị bảo tồn; 16 loài quý hiếm, 12 loài trong sách Đỏ như: ngan cánh trắng, rồng rộc vàng, diều mào, diều lửa, cú lợn lưng nâu, đại bàng đen, chích chòe lửa… Có 7 loài phụ thuộc hoàn toàn vào sinh cảnh của Tràm Chim: ô tác, chim mèo, chim dẽ giun, cò ngàng nhỡ, ưng xám, bói cá, cun cút, đồng thời đây cũng là nơi di trú của loài chim hạc, còn gọi là Sếu Đầu đỏ (Grus antigone sharpii) được ghi trong sách Đỏ. Hạc là loài chim cao nhất trong các loại chim bay trên thế giới và đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Ông Kevin Marks, Điều phối viên WWF, quản lý dự án tại VQG Tràm Chim, nói: “Tôi đánh giá cao quyết định đúng đắn của lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp về việc giữ gìn vùng đất ngập nước Tràm Chim như là hình ảnh của ĐTM xưa kia. Ngày nay chúng ta cần phải cùng nhau bảo tồn các giá trị của Tràm Chim cho các thế hệ tương lai”.

Theo bà Lê Thanh Bình, Trưởng phòng Bảo tồn đa dạng sinh học (Cục Bảo vệ môi trường), sinh cảnh gần như biến mất trong nền kinh tế thị trường bởi lẽ luôn có sự can thiệp thô bạo của bàn tay con người. Bảo tồn phải hài hòa với “cuộc chiến” chống đói nghèo và qua đó, cần thiết phải giữ gìn nét văn hóa lịch sử của địa phương. Muốn vậy, nhà nước, chính quyền địa phương cần có cơ chế đầu tư thỏa đáng và đề ra chính sách hưởng lợi phù hợp thực tế để cộng đồng dân cư hạn chế bớt phụ thuộc vào thiên nhiên.

Những trở ngại…

Kỹ sư Huỳnh Thế Phiên, Giám đốc VQG Tràm Chim, cho biết: Ngoài nguồn kinh phí bấp bênh, VQG đang thiếu thông tin về hệ sinh thái đang quản lý, năng lực chuyên môn quản lý còn nhiều mặt bất cập. Năm 2005, được UBND tỉnh chấp thuận, tổ chức Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên thế giới (IUCN) đã triển khai thực hiện Dự án Chương trình đa dạng đất ngập nước Mê Công, dự kiến kết thúc vào năm 2009 nhưng do thiếu kinh phí nên dự án buộc phải kết thúc sớm vào 31/12/2006.

Tiến sĩ Dương Văn Ni, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Hòa An-Đại học Cần Thơ, nói rằng VQG Tràm Chim có hệ sinh thái hở, mùa khô các chất hữu cơ được tích lũy dày từ cây cỏ chết ủ trong lòng đất. Khi lũ lên, nước cuốn theo mang đi nơi khác. Riêng ở Khu A 2, người ta giữ nước, cây chết, lá mục lâu ngày tích tụ thành chất hữu cơ dày 1,5mét, đây là nguồn vật liệu dễ dẫn đến cháy rừng. Bởi vậy, ở VQG Tràm Chim không thể áp dụng giống cơ chế phòng chống cháy rừng như trên núi được vì điều kiện địa lý và tự nhiên hoàn toàn khác nhau.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, cố vấn bảo tồn đất ngập nước của Dự án WWF Việt Nam, nói: “Dự án đang hỗ trợ VQG quản lý thủy văn, tạo lại nhịp thủy văn theo mùa của ĐTM xưa kia để phục hồi hệ sinh thái đất ngập nước và đốt chủ động có kiểm soát. Đồng thời thí điểm tỉa thưa tràm để giảm sinh khối tích lũy, như vậy sẽ tạo điều kiện cho thực vật bản địa tái sinh nhằm giảm rủi ro cháy lớn. Bên cạnh đó, nhanh chóng thành lập đội cơ động kiểm soát mai dương trên hầu hết diện tích”.

Chế độ quản lý thủy văn và lửa cho phù hợp hệ sinh thái, bảo tồn các sinh cảnh, trong đó có 6 quần xã chính, bảo tồn cá và đặc biệt là các loài sếu rất quan trọng. Đồng thời, cần có biện pháp hữu hiệu để kiểm soát các loài ngoại lai xâm nhập, nhất là diệt cây mai dương (Mimosa pigra). Đây là cây mà tổ chức IUCN liệt vào danh sách 100 loài ngoại lai xâm hại nguy hiểm nhất trên thế giới đang xâm lấn diện tích Tràm Chim và có thể thay thế toàn bộ các loài thực vật bản địa tại đây trong 15 năm tới!