Nguy cơ nhiễm tả từ nước đá

Ở Hà Nội vào những ngày nắng nóng, tại những quán giải khát ven đường, lượng đá cây được tiêu thụ mạnh hơn. Chỉ cần nhìn bằng mắt thường cũng thấy những tảng nước đá màu đục ngầu kia không đảm bảo vệ sinh.

Thậm chí, để đảm bảo đủ lượng nước đá bán ra thị trường, nhiều cửa hàng còn nhập thêm đá (loại chủ yếu dùng để ướp thực phẩm) từ các địa phương khác… Trước thực tế trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn đã cảnh báo, người dân không nên sử dụng đá cây không nguồn gốc vì nguy cơ mắc tiêu chảy cấp từ đá nhiễm khuẩn là rất lớn.

Nhập viện vì nước đá

Chị Nguyễn Thị Hường (nhà A10, ngõ 231 phố Chùa Bộc, Hà Nội) kể: “Cách đây mấy hôm, tôi đi uống nước ở một quán ven đường Láng. Vì trời nóng, tôi gọi một cốc trà có thật nhiều đá. Về nhà, tôi bị đau bụng dữ dội và đi ngoài liên tục. Sợ quá, 2h sáng tôi phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Đống Đa”. Nằm viện 4 hôm, chị Hường mới được về nhà. “Sau trận tiêu chảy cấp này, tôi thề rằng từ nay không uống nước đá ở ngoài đường nữa !”, chị Hường nói.

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 100 cơ sở sản xuất nước đá thủ công nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh. Nhưng những cơ sở này vẫn cung cấp cho thị trường đá viên (được coi là đá sạch) đóng trong túi ny lông không có nhãn mác với giá trung bình khoảng 5.000đồng/túi (4kg). Hầu hết, các quán vỉa hè đều sử dụng loại đá này để pha trà đá, nước ngọt.

Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương đã xét nghiệm và tìm thấy vi khuẩn tả có trong nước giếng, hồ ao. Nhưng đấy lại là nguyên liệu sản xuất đá của nhiều cơ sở sản xuất nước đá tư nhân. Tại một cơ sở sản xuất đá cây tư nhân trong làng Triều Khúc (quận Thanh Xuân), tận mắt chứng kiến công nghệ làm đá “siêu bẩn” từ nước giếng khoan. Chỉ mới đầu hè, xưởng sản xuất này đã làm việc hết công suất và tung ra thị trường hàng tấn đá các loại mỗi ngày. Nước giếng khoan được bơm trực tiếp tới các khay làm đá cây và chỉ sau 6-8 tiếng, hôm nào “cháy” hàng thì chỉ 5 tiếng, là xong một mẻ đá. Nước để làm đá viên thì được cho vào bình chứa để lắng cặn và khử trùng qua loa. Những mẻ đá sạch chưa kịp đóng túi nằm vương vãi trên nền đất.

Chủ cơ sở này cho biết, đá viên sạch được bán với giá 2.000 đồng/kg, đá cây 1,2m khoảng 80.000 đồng/cây. Vào ngày nắng nóng, giá đá có thể lên đến 120-150.000 đồng/cây mà cũng không có hàng bán. Không chỉ có công nghệ làm nước đá mà cả công đoạn vận chuyển cũng rất mất vệ sinh. Họ vận chuyển đá cây từ nơi sản xuất tới các đại lý chủ yếu bằng xe tải nhỏ hoặc xích lô, xe máy – những phương tiện đa năng, chở cả rau, hoa quả, gia súc, gia cầm. Còn tại những điểm bán đá lẻ, những tảng đá cây được đặt ngay xuống vỉa hè nơi có đường cống thoát nước đi qua, chỉ được lót một tấm ny lông.

Sẽ đóng cửa các cơ sở sản xuất nước đá “siêu bẩn”

Ông Đỗ Lê Huấn, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho rằng, nguy cơ mắc tiêu chảy cấp từ nước đá là khá cao. Tuy nhiên, mùa hè mặt hàng này được tiêu thụ mạnh. Vì vậy, người dân không nên uống hoặc mua đá cây ở những cửa hàng ven đường không đảm bảo vệ sinh. Tới đây, Bộ Y tế sẽ tăng cường kiểm tra và cương quyết đóng cửa những cơ sở sản xuất nước đá không đảm bảo chất lượng.

Theo các chuyên gia y tế, không khó để phân biệt đá sạch và đá không đảm bảo chất lượng bằng mắt thường. Nếu đá không sạch khi cho vào cốc nước thường có màu trắng đục và kèm theo những cặn bẩn nhỏ li ti. Kể cả đá viên mà người bán hàng quảng cáo là đá sạch nếu không được làm theo đúng quy trình và nguồn nước đảm bảo thì viên đá sẽ bị lỗ chỗ bọt khí, lúc tan ra thấy trong cốc nước có những vấn cặn lắng xuống đáy. Lời khuyên đối với người tiêu dùng là tốt nhất không nên dùng đá cây vì loại đá này chỉ dùng để ướp thực phẩm. Còn đá viên thì phải mua của những cơ sở có tên tuổi, có nhãn mác và tiêu chuẩn chất lượng được ghi trên bao bì.