Hệ thống nước nóng rẻ tiền bằng năng lượng mặt trời

Ông Trần Văn Huấn ở quận Bình Thạnh (TP. Hồ Chí Minh) vừa sáng chế ra một giải pháp tận dụng năng lượng mặt trời để đun nước phục vụ cho sinh hoạt trong gia đình. Hiện nay giá thành thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời bán ở thị trường có giá từ 4 – 7 triệu đồng trở lên. Trong khi đó giải pháp của ông Huấn chỉ tốn khoảng 1 triệu đồng, mà vẫn có nước nóng (từ 32-38 độ C) đủ dùng để tắm cho 4 người trong ngày.

Ông Trần Văn Huấn cho hay: “Giải pháp của tôi thật ra cũng đơn giản thôi, song tính ra thì khá hiệu quả, người dân có thu nhập từ trung bình đến thấp đều có thể thực hiện được. Ngoài kinh phí khoảng gần 1 triệu đồng để mua vật tư, điều quan trọng không kém để có thể thực hiện thành công giải pháp này là phải chịu khó, và một chút khéo tay”.

Các vật tư cần thiết cho giải pháp “nước nóng bằng năng lượng mặt trời” bao gồm: một vại (khạp) bằng đất nung có dung tích từ 40 – 60 lít (có bán khá nhiều trên thị trường), các ống tuýp inox, ống nhựa dẫn nước (đường kính khoảng 21 mm), ống dẫn nước có khả năng chịu nhiệt (có lõi nhôm bên trong, có đường kính khoảng 22 mm) và một số vật liệu khác như van đóng mở nước, van khóa nước tự chảy…

Nơi nào nước máy có đủ áp lực chảy lên được nóc nhà là có thể áp dụng được giải pháp này. Nguyên tắc chung của giải pháp “Nước nóng bằng năng lượng mặt trời” như sau: trong ngày khi nước tự chảy vào đầy khạp và các ống tuýp inox (khi nước đầy, van tự động sẽ đóng lại). Từ khoảng 9 – 10 giờ trở đi, trời bắt đầu nắng, mái tôn trên mái nhà nóng lên truyền nhiệt vào các ống tuýp inox, từ đó làm nước bên trong ống nóng lên. Trong ống sẽ có luồng đối lưu đưa nước nóng lên phía trên vào khạp, và nước lạnh từ khạp xuống các ống tuýp inox.

Cứ tuần hoàn như vậy cả khối nước trong khạp và các ống tuýp inox sẽ nóng lên. Trên miệng khạp được đậy bằng tấm mút xốp để hạn chế tỏa nhiệt, do khạp bằng đất nên nước cũng được giữ nhiệt khá tốt. Để có thể thu nhiệt được hiệu quả hơn thì mái nhà nơi để dàn thu nhiệt (những ống tuýp inox) phải không bị che khuất bởi những nhà cao tầng hay bóng cây xanh.

Ông Trần Văn Huấn cho biết, giải pháp chỉ đơn giản như vậy, nhưng rất hiệu quả trong những ngày nắng tốt (từ 9 – 10 giờ sáng đến 5 – 6 giờ chiều) nước trong khạp có thể đạt đến 32 – 40oC, nhiệt độ này vừa đủ để tắm. Hơn một năm nay gia đình ông (4 người lớn) thoải mái có nước nóng để tắm mà không phải tốn tiền gas (nấu nước sôi), tiền điện (dùng máy nước nóng).

Hạn chế duy nhất của giải pháp này là vào chiều tối khi hết nắng, thì nhiệt độ nước trong khạp và ống sẽ bị giảm đi, do vậy vào sáng sớm sẽ không có nước nóng để dùng. Ông Huấn cho biết, đang khắc phục hạn chế này bằng cách sẽ lắp đặt thêm một bình chứa nước phụ bên trong nhà tắm. Bình chứa nước phụ này sẽ được thiết kế có khả năng giữ nhiệt tốt (tương tự như bình thủy). Buổi chiều khi trời còn nắng tốt, nhiệt độ nước trong khạp và các ống tuýp inox còn cao, sẽ được dẫn xuống giữ ấm vào bình chứa nước phụ. Nước trong bình phụ này sẽ được dùng cho buổi sáng sớm. Sau đó khi nắng lên sẽ tiếp tục dùng nước trên khạp như bình thường.