Phòng chống sa mạc hóa khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên

Hoang mạc hóa, sa mạc hóa là vấn đề toàn cầu, đang diễn biến phức tạp ở nhiều khu vực trên thế giới. Với điều kiện khí tượng, địa hình, địa chất, thủy văn, Việt Nam tiềm ẩn nhiều nguy cơ sa mạc hóa, hoang mạc hóa, biểu hiện qua diễn biến xói mòn, rửa trôi, đá ong hóa, chua mặn hóa… Trong các khu vực nguy cơ cao thì vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên là đáng quan tâm hơn cả. Một số chuyên gia môi trường khi đến thăm đã ví khu vực Nam Trung bộ như một "châu Phi thu nhỏ".

Những nguy cơ tiềm ẩn

Vào mùa khô mực nước sông ở khu vực này rất thấp, thậm chí nhiều sông suối nhỏ khô kiệt hoàn toàn trở thành những dòng sông chết, “Lòng Sông” là một ví dụ điển hình. Hiện tượng Elnino cùng với bão, lũ, khô hạn xảy ra thường xuyên và ác liệt, dẫn đến nguồn nước suy giảm.

Trong khi đó, nhu cầu về nước lại tăng nhanh. Bên cạnh đó, tình trạng suy thoái và ô nhiễm nguồn nước đang diễn biến rất nhanh, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, xã hội của khu vực này. Sự phát triển kinh tế thiếu quy hoạch, không đồng bộ ở nhiều vùng, việc di dân khó kiểm soát, việc phát triển đàn gia súc: bò, dê, cừu trong khi chưa chủ động được nguồn thức ăn chăn nuôi là những nguyên nhân gây ra nguy cơ sa mạc hóa, hoang mạc hóa, đe dọa sự phát triển bền vững.

Những giải pháp khoa học công nghệ

Phòng chống hoang mạc hóa, sa mạc hóa là một vấn đề mang tính chiến lược vừa cấp bách, vừa lâu dài, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Trong đó giải pháp khoa học công nghệ (KHCN) thủy lợi là trung tâm, các giải pháp về đất, rừng… là phối hợp. Tại Hội thảo khoa học về Nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên nước và chống sa mạc hóa khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, một số giải pháp khoa học đã được đề xuất, căn cứ theo đặc thù của vùng núi cao, vùng đồng bằng và vùng ven biển.

Ở vùng núi cao, diện tích rừng ít, cần làm các đập ngăn để giữ được lượng nước mưa, tích cực trồng rừng và bảo vệ rừng để chống nhiễm mặn và chắn cát di động, bảo vệ rừng đầu nguồn, tăng lưu lượng nước của các hệ thống sông suối hiện tại và giảm nhẹ thiên tai lũ lụt, phấn đấu nâng độ che phủ lên 42% vào năm 2010. Ngoài ra, việc trồng rừng cũng sẽ hạn chế độ bốc hơi và giữ được lượng nước mưa khá lớn, bổ sung được lượng nước cho đất, tái tạo môi trường. Cần trồng các loại cây mới như cây trôm, cây cóc hằn… sống được trên núi đá, chống cháy rừng.

Ở vùng đồng bằng và ven biển, cần đầu tư xây dựng các công trình hồ chứa lớn dạng tổng hợp phục vụ đa mục tiêu vừa cắt lũ trong mùa mưa, tăng nguồn nước trong mùa khô, vừa phát điện, khai thác du lịch…; triển khai xây dựng các hồ ao nhỏ để trữ nước tại chỗ với quy mô phù hợp, áp dụng giải pháp che phủ hạn chế bốc hơi tạo nguồn nước mặt và tăng nước ngầm; tiếp tục thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương, giảm tổn thất nước trong quá trình truyền dẫn, ứng dụng những kỹ thuật tưới hiện đại, tiết kiệm nước như: phun mưa, nhỏ giọt cho những cây trồng có giá trị kinh tế cao, chọn các loại giống cây trồng phù hợp, sử dụng ít nước với thời gian gieo trồng thích hợp; xây dựng các đập ngầm dọc ven biển nhằm hạn chế thoát nước ngọt ra biển, tăng trữ lượng nước ngầm.

Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh cũng cần chú trọng tới công tác phòng chống sa mạc hóa và sử dụng hiệu quả nguồn nước trong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay. Với sự hợp tác của Bộ KH&CN, các địa phương cần tăng cường việc huy động cộng đồng dân cư tham gia vào các dự án, thu hút các nguồn vốn, đảm bảo kinh phí thực hiện được hiệu quả, khắc phục tình trạng sa mạc hóa và khan hiếm nguồn nước, đảm bảo được đời sống kinh tế, xã hội trong vùng.