Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát: Thế mạnh của nước ta vẫn là nông nghiệp

Thu hồi đất sản xuất nông nghiệp để chuyển đổi sang làm công nghiệp, khu đô thị đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới sản xuất nông nghiệp, an ninh lương thực quốc gia cũng bị đe dọa. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.

* Thưa Bộ trưởng, việc thu hồi đất sản xuất nông nghiệp để chuyển sang mục đích khác tràn lan tại các địa phương có ảnh hưởng như thế nào tới sản xuất lương thực của Việt Nam?

Theo thống kê sơ bộ của Bộ Tài nguyên – Môi trường, trong 7 năm qua (từ năm 2001- 2007), tổng diện tích đất nông nghiệp đã thu hồi chuyển sang đất phi nông nghiệp trên 500.000ha. Đáng lo ngại hơn là việc đất nông nghiệp bị thu hồi và chuyển sang mục đích đô thị hóa và công nghiệp hóa năm sau tăng hơn năm trước.

Chỉ tính riêng năm 2007, diện tích lúa gieo trồng cũng đã giảm 125.000ha. Các vùng kinh tế trọng điểm có diện tích đất nông nghiệp thu hồi lớn nhất, chiếm khoảng 50% diện tích đất bị thu hồi trên toàn quốc.

Việc thu hồi đất sản xuất nông nghiệp chuyển sang mục đích sử dụng khác là một trong những nguyên nhân chính đe dọa an ninh lương thực vì những mảnh đất phì nhiêu màu mỡ đã được thay thế bằng các khu công nghiệp, đô thị.

* Có ý kiến cho rằng, với vị trí là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới chúng ta có thể “đánh đổi” những diện tích đất nông nghiệp để cho các khu công nghiệp, đô thị nhằm thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa đất nước? 

Với tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh chóng mặt, kết quả của nó đem lại là rõ rệt; nhưng hệ lụy của tiến trình đô thị hóa, công nghiệp hóa cũng không phải là nhỏ. Theo tính toán của Bộ LĐTB-XH, tỷ trọng lao động mất việc làm sau thu hồi đất là 15%, thiếu việc làm là 25%, và số lao động bị ảnh hưởng do thu hồi đất lên tới gần 50.000 người.

Theo điều tra của chúng tôi tại 16 tỉnh, thành phố trọng điểm về thu hồi đất cho thấy, diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi chiếm khoảng 89%, hầu hết lại là đất lúa, thuộc diện phì nhiêu màu mỡ có năng suất cao. Với tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa như hiện nay, chắc chắn diện tích đất phục vụ sản xuất nông nghiệp sẽ tiếp tục giảm mạnh.

Do vậy, hàng năm có thể mất khoảng trên 1 triệu tấn lúa và chỉ trong vòng 5 năm là sản lượng lúa bị mất đi có thể tương đương với lượng gạo xuất khẩu của chúng ta. Như thế chúng ta sẽ hết gạo xuất khẩu và về lâu dài hoàn toàn có thể ảnh hưởng tới an ninh lương thực quốc gia.

Thế mạnh của Việt Nam hiện vẫn là nông nghiệp, phục vụ cho công nghiệp hóa là cần thiết nhưng không vì thế mà đánh mất đi thế mạnh của mình.

* Nếu chúng ta hạn chế được diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở khu vực phía Nam bị ngập mặn hàng năm thì hoàn toàn có thể “bù lại” cho những cánh đồng bị teo tóp dần?

Cùng với quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa, đất bị ngập mặn là 2 nguy cơ lớn nhất đe dọa an ninh lương thực. Để ngăn chặn tình trạng xâm thực ngập mặn đất nông nghiệp là vấn đề rất nan giải đòi hỏi phải làm rất lâu dài và tốn kém. Hiện nay, bộ đang triển khai xây dựng các hệ thống đê bao ngăn chặn tình trạng ngập mặn diễn ra mạnh mẽ ở khu vực phía Nam. Nhưng chỉ với mục đích là hạn chế tối đa và làm chậm lại quá trình ngập mặn mà thôi.

* Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Bộ NN-PTNT là bảo đảm an ninh lương thực. Bộ đã triển khai nhiệm vụ này như thế nào?

Chúng tôi đang cùng với Bộ Tài nguyên – Môi trường rà soát lại toàn bộ những khu đất sản xuất nông nghiệp, từng bước hạn chế việc lấy đất sản xuất nông nghiệp, đất canh tác hiệu quả vào làm công nghiệp và đô thị. Ngay trước mắt, rà soát lại những quỹ đất có nguy cơ bị mất để chặn lại sự tấn công của công nghiệp vào đất nông nghiệp.

Hướng giải quyết của Bộ NN-PTNT là sẽ đẩy sâu, mở xa công cuộc phát triển kinh tế ngoài nông nghiệp lên các vùng đất lâm nghiệp, đất canh tác kém chất lượng, nâng cao giá trị những vùng đất hẻo lánh, bằng cách đầu tư cơ sở hạ tầng, mở đường liên thông với trung tâm tỉnh. Về lâu dài hoàn thiện cơ chế, chính sách đất đai, quy hoạch lâu dài, tổng thể, đồng bộ tại các địa phương, kiên quyết điều chỉnh hoặc hủy bỏ các khu công nghiệp, đô thị không có khả năng triển khai, khắc phục và tiến tới xóa bỏ tình trạng quy hoạch treo.

Cùng với việc ngăn chặn quyết liệt các khu đô thị, công nghiệp tấn công vào các vùng đất màu mỡ thì việc đẩy mạnh mở rộng diện tích gieo trồng lúa vào các vùng đất mới, áp dụng các biện pháp thâm canh, tăng năng suất với mức tăng bình quân khoảng 2%/năm thì vấn đề an ninh lương thực quốc gia mới có thể bảo đảm.

* Có một thực trạng là nhiều địa phương đua nhau lấy đất nông nghiệp quy hoạch các khu công nghiệp nhưng rồi bỏ hoang gây lãng phí. Những khu này liệu có bị thu hồi?

Việc thu hồi không thuộc thẩm quyền của riêng Bộ NN-PTNT, nhưng các địa phương cũng phải nghiêm khắc kiểm điểm rút kinh nghiệm về tình trạng quy hoạch treo.

* Xin cảm ơn Bộ trưởng.