Nông dân mất đất: Câu chuyện đến hồi gay cấn (Kỳ 8)

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khẳng định: “Đất cho nông nghiệp phải có quy hoạch khoa học. Làm công nghiệp thì tập trung ở trung du, miền núi, vùng đất xấu. Hết sức lưu ý khi lấy đất nông nghiệp 2 lúa”. Chỉ đạo là vậy nhưng các địa phương lại làm khác. Họ chuyển cả đất đã và đang hình thành nên những vùng chuyên canh cây hàng hoá sang làm công nghiệp.

Nông dân mất đất: Câu chuyện đến hồi gay cấn (Kỳ 1)
Nông dân mất đất: Câu chuyện đến hồi gay cấn (Kỳ 2)
Nông dân mất đất: Câu chuyện đến hồi gay cấn (Kỳ 3)

Nông dân mất đất: Câu chuyện đến hồi gay cấn (Kỳ 4)
Nông dân mất đất: Câu chuyện đến hồi gay cấn (Kỳ 5)
Nông dân mất đất: Câu chuyện đến hồi gay cấn (Kỳ 6)
Nông dân mất đất: Câu chuyện đến hồi gay cấn (Kỳ 7)

Băm nát vùng sản xuất hàng hoá

Thị trấn Như Quỳnh và xã Trưng Trắc (Văn Lâm, Hưng Yên), nơi có những cánh đồng hoa, cánh đồng sản xuất 4-5 vụ rau/năm và cây dược liệu, thu nhập từ 60-100 triệu đồng/ha/năm giờ đây chỉ còn vỏn vẹn vài khoảnh nhỏ. Tuy nhiên, theo lời một phó chủ tịch UBND huyện Văn Lâm, thì năm tới dự án sẽ lấy hết.

Người dân Yên Mỹ (Hưng Yên) thì tiếc cho những cánh đồng lúa nếp hàng hoá chất lượng cao tại xã Nghĩa Hiệp, Liêu Xá vừa bị KCN Thăng Long II, KĐT và hàng chục nhà máy xí nghiệp “nuốt” chửng. Nông dân những vùng này được coi là có trình độ thâm canh lúa tốt nhất Hưng Yên rơi vào cảnh mất nghề.

Có lẽ, câu nói nông dân Việt Nam chẳng thua kém nông dân nước nào, là không sai. Nhiều nhà khoa học phải “ngả mũ kính chào” trình độ trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả của dân Văn Giang. Trừ mấy cánh đồng của mấy xã chuyên sản xuất lúa ra, diện tích còn lại mỗi ha đều làm ra thấp nhất từ 50 đến vài trăm triệu đồng/năm. Tổng giá trị SXNN của huyện này năm 2007 đạt tới 505 tỷ đồng, tương đương thu ngân sách hàng năm của một tỉnh nghèo.

Người dân xã Phụng Công – xã chỉ còn 7,9 ha trồng lúa, có đến trên 220 ha sản xuất hoa, cây cảnh, mang lại thu nhập rất cao và ổn định tới đây sẽ chia tay nghề nông vì phần lớn diện tích đất bị thu hồi để làm KĐT Việt Hưng. KĐT Việt Hưng sẽ lấy hàng trăm ha đất ở huyện Văn Giang. Mất đi một cái nghề sở trường tích luỹ bao nhiêu năm mới đạt để học một nghề mới, thực sự là một vấn đề lớn. Nhất là khi lưc lượng lao động chính ở những vùng này tuổi đã trung niên

Trong khi đó tại Hải Dương, người dân trồng đào xã Thạch Khôi và Gia Xuyên ngậm ngùi: “Mấy năm nay đào chúng tôi nổi tiếng khắp nước. Hi vọng vài năm nữa khi đào Nhật Tân đi vào dĩ vãng, người ta sẽ tìm đến đào Gia Lộc. Chúng tôi đã thành công trong việc trồng đào xen một số loại rau được 3-4 vụ/năm trên luống đào. Vì thế, thu nhập 1 sào không dưới 50 triệu đồng/năm. Nhưng nay công nghiệp lấy mất rồi”- ông Vũ Văn Hoa, xã Thạch Khôi tiếc nuối. Rau, củ, quả, hoa của Gia Lộc đi khắp cả nước. Mỗi năm đem lại cho người dân khoảng 370 tỷ đồng. Riêng vụ đông là 170 tỷ đồng. Cả chục DN “xôi đỗ” và 1 CCN vào, không tiếc sao được?

Chọn lối nào?

Nhiều người đã từng đặt câu hỏi: “Tại sao một sào ruộng làm ra cả trăm triệu đồng/năm mà địa phương vẫn muốn chuyển nó sang làm công nghiệp, dịch vụ…?” Xin thưa, đây là vấn đề quyền lợi? Quyền lợi của địa phương, của doanh nghiệp, của cả cá nhân những người liên quan?

Huyện Gia Lộc đã quy hoạch 2 Cum công nghiệp, nhưng 1 cụm lại “đè” lên vùng trồng đào, hoa của Thạch Khôi và Gia Xuyên. Không những thế, trong tổng số trên 50 doanh nghiệp đã vào, có trên 20 doanh nghiệp vào kiểu “xôi đỗ” làm vùng nông nghiệp hàng hoá này bắt đầu bị biến dạng.

Bà Nguyễn Thị Kịch, Phó chủ tịch UBND huyện Gia Lộc cho biết: “Từ đầu năm đến nay huyện đã từ chối 6 doanh nghiệp vào đầu tư trên địa bàn vì đất họ muốn lấy không nằm trong quy hoạch của địa phương. Gia Lộc là huyện có tiếng nhất Hải Dương về SXNN hàng hoá. Đó là lý do chúng tôi rất cẩn trọng, không để dự án lấy hết 100% đất của dân. Trước tết có dự án vào lấy 70% diện tích đất của một thôn, chúng tôi cũng đề nghị phải chuyển sang lấy ở khu vực khác”. Trả lời câu hỏi vậy tại sao vẫn có trên 20 DN “xôi đỗ” vào huyện và CCN phá nát khu trồng cây hàng hoá chất lượng cao Gia Xuyên – Thạch Khôi, bà Kịch giải thích: “Nó chưa ảnh hướng lớn đến vùng sản xuất hàng hoá, nhưng đó là chuyện đã rồi”.

Trong hoàn cảnh này, thực khó để có một huyện từ chối công nghiệp thẳng thừng như thế. Nhưng vấn đề lại không ở huyện! Đến thời điểm này, ngoài 50 DN đã vào, tỉnh Hải Dương đã quy hoạch 2 KCN lấy gần 1.000 ha đất tại Gia Lộc. Việc giữ vùng nông nghiệp hàng hoá “đệ nhất thành Đông” xem ra khó thành…