Di cư tự do ở Tây Nguyên: Bài toán khó (Kỳ cuối)

ThienNhien.Net – Việc chăm lo cuộc sống, quy hoạch khu định cư, xây dựng cơ sở hạ tầng, cũng như cấp đất ở và đất sản xuất cho dân di cư tự do là vấn đề hết sức nan giải cho các địa phương, trong khi chưa lo kịp đợt di dân vừa tới thì hàng ngày phải lo “tiếp đón” thêm dân từ nơi khác đổ về. Và cứ một điệp khúc “luẩn quẩn” khi có di dân tới, xã làm văn bản “kêu” huyện, huyện lại báo cáo tỉnh, còn tỉnh thì xin ý kiến của Chính phủ. Đó là cả một quá trình kéo dài không ít thời gian, trong khi địa phương phải lo cho cuộc sống di dân hàng ngày, đồng thời cũng phải canh chừng không cho họ nhảy vào phá rừng làm nương rẫy.

Di cư tự do ở Tây Nguyên: Cư dân giữa rừng già (Kỳ 1)

Di cư tự do ở Tây Nguyên: Nỗi lo của rừng (Kỳ 2)

Di cư tự do ở Tây Nguyên: Áp lực nhiều phía (Kỳ 3)

Theo ông Phan Xuân Lĩnh- Chủ tịch huyện Ea Súp (Đăk Lăk), huyện đang tập trung nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, cấp đất ở và sản xuất cho 5.000 khẩu là dân di cư tự do ở xã mới thành lập Cư K’Bang.

Trong khi đang trao đổi với chúng tôi, ông Lĩnh nhận được điện thoại từ xã Cư K’bang gọi về xin ý kiến chỉ đạo của huyện về việc xã vừa phát hiện 10 hộ dân di cư tự do với 59 khẩu mới đổ bộ vào cánh rừng của xã để phát rừng dựng nhà lập xóm, hiện số dân tạm được đưa về sống tạm ở hội trường thôn 4 chờ ý kiến chỉ đạo.

Bản thân huyện cũng đang “lúng túng chưa biết phải bố trí các hộ dân di cư tự do mới tới ở đâu vì phải xin ý kiến của tỉnh. Ông Lĩnh tâm sự: “Giải pháp còn nan giải lắm. Trước mắt cứ phải gom họ lại đó. Chỗ nào còn trống đã chia cho dân cũ rồi, có còn chỗ nào dư để bố trí đâu. Đất của Ea Súp chỉ còn đất có rừng, muốn bố trí cho di dân thì phải xin chuyển đồi mục đích sử dụng và việc quyết định chuyển đổi lại là của cấp trên. Chính vì thế mà dân chúng tôi gom ở đây có khi tới vài ngày cũng không giải quyết được, rất bức xúc.”

Còn tại xã Đăk Ngo (huyện Tuy Đức, Đăk Nông), gần 2.000 khẩu đổ bộ vào đã làm phá vỡ quy hoạch tại địa phương, gây ra nạn chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng… làm ảnh hưởng đến kinh tế, an ninh chính trị của địa phương. UBND tỉnh Đăk Nông đã có công văn số 29/BC-UBND về việc xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về DDCTD ở Đăk Nông. Ngày 11-3-2008, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 1527/VPCP-NN, trong đó có nêu ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải: “ UBND tỉnh Điện Biên (nơi có dân tới Đăk Nông) chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp tăng cường quản lý dân trên địa bàn, không để tình trạng dân di cư tự do… Phối hợp với Đăk Nông giải quyết số hộ dân di cư tự do trái phép ở xã Đăk Ngo…”.

Được biết, tỉnh Đăk Nông đã xây dựng dự án tổng quan ổn định dân di cư tự do trên địa bàn với tổng số vốn được phê duyệt là 409 tỷ đồng, nhưng mỗi năm Trung ương chỉ đầu tư 5-6 tỷ đồng, đạt 12-15%. Trong khi Đăk Nông là một tỉnh nghèo, ngân sách địa phương không thể cân đối, huy động nguồn vốn của địa phương để hỗ trợ cho các dự án bố trí, sắp xếp, ổn định dân di cư tự do.

Đứng trước áp lực từ dân di cư tự do, Đăk Nông đã đề nghị Chính phủ xem xét, hỗ trợ hàng năm 30-40 tỷ đồng và chuyển đổi từ 500 đến 1000 ha đất lâm nghiệp (không còn rừng, hoặc rừng nghèo kiệt) sang đất nông nghiệp để thực hiện mục tiêu của các dự án ổn định di dân. Theo một số vị lãnh đạo, để ngăn chặn hiện tượng di cư tự do tiếp tục đến Tây Nguyên, Chính phủ cần yêu cầu các tỉnh có dân di cư tự do đến Tây Nguyên thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Chính phủ tại Hội nghị bàn biện pháp giải quyết tình trạng di dân tự do đến các tỉnh Tây Nguyên, cụ thể là cần phối hợp chặt chẽ với các tỉnh Tây Nguyên trong việc sắp xếp ổn định số di dân đã đến trước ngày 13-3-2002. Đồng thời, nếu việc đưa các hộ di cư tự do sau ngày 13-3-2002 về quê cũ không khả thi thì các tỉnh có dân đi phải có kế hoạch phối hợp với các tỉnh có dân đến (Tây Nguyên) đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để ổn định cho số hộ dân đó và phải kiên quyết ngăn chặn không để dân di cư tự do đến Tây Nguyên nữa.

Tóm lại, việc giải quyết tình trạng DDCTD không phải là trách nhiệm của riêng bất cứ địa phương nào, mà là nhiệm vụ tổng thể. Nhất là cần phải có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ và thường xuyên của những tỉnh có dân đi và các tỉnh có dân tới, có như thế mục tiêu phấn đấu đến năm 2010 tình trạng dân di cư tự do cơ bản mới có thể được chấm dứt; đồng thời ổn định và nâng cao đời sống đối với những hộ di dân ở những nơi cần bố trí, sắp xếp theo quy hoạch và kế hoạch.