“Lá phổi” của Thành phố Hồ Chí Minh đang teo tóp (Kỳ 2)

Thời gian qua, thành phố đầu tư vốn rất nhiều cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật (đường sá, cầu cống…). Công trình cao tầng thì đua nhau mọc. Riêng hệ thống cây xanh, một phần không thể thiếu trong việc tổ chức không gian cảnh quan kiến trúc đô thị, lại ngày càng teo tóp, vì sao?

Thiếu tiền hay thiếu quyết tâm?

Một trong những nguyên nhân mà đường phố TP.HCM vẫn còn nhiều cây tạp, cây trong danh mục cấm trồng là sau ngày giải phóng, nhà nước khuyến khích nhân dân trồng cây. Cây đưa ra trồng trên đường phố lúc đó đã không được chú ý đến yếu tố kỹ thuật hay chọn loài phù hợp mà chủ yếu là để phủ xanh đô thị.

Những năm sau này, ngành công viên cây xanh đã tiến hành cải tạo lại (thuần chủng, tạo dáng…) nhưng chỉ làm được trên một số tuyến đường như Tân Định, Điện Biên Phủ, Bà Huyện Thanh Quan, Võ Văn Tần, Nguyễn Tri Phương, Lý Tự Trọng, Ngô Quyền… Tuy nhiên, cũng có trường hợp sau này địa phương trồng nhưng chọn cây không đúng chủng loại, mà đường Quang Trung (Gò Vấp) là một điển hình.

Việc phân cấp quản lý hệ thống công viên cây xanh cho các sở ngành, quận – huyện đã có đầy đủ nhưng công tác phối hợp giữa các sở – ngành chức năng, địa phương thiếu chặt chẽ, cộng với việc kiểm tra, giám sát hệ thống cây xanh đô thị còn khá lỏng lẻo nên một số nơi còn xảy ra tình trạng người dân trồng cây theo ý mình hoặc chặt cây tùy tiện.

Ngoài ra, theo quy định, tất cả dự án đầu tư xây dựng đều phải dành một quỹ đất phù hợp (trung bình 40%) cho công trình công cộng, trong đó có phát triển cây xanh. Nhưng thực tế, có rất nhiều dự án đầu tư sau khi được giao đất, doanh nghiệp chỉ tập trung đầu tư hạ tầng, xây dựng công trình mà không đầu tư hoàn thiện các khu cây xanh công viên theo đúng quy hoạch được duyệt.

Đó là chưa kể, nguồn vốn đầu tư cho lĩnh lực công viên cây xanh hiện nay chủ yếu dựa vào ngân sách, còn chủ trương xã hội hóa đầu tư ở lĩnh vực này chưa thật sự hấp dẫn các doanh nghiệp.

Hệ thống cây xanh do quận – huyện quản lý (phân cấp theo các dự án xây dựng) thường chưa đạt yêu cầu. Ngoài ra, qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, những năm nay, theo quyết định của Sở GTCC TP.HCM, việc đầu tư quản lý cây xanh được phân cấp từ Công ty Công viên Cây xanh TP.HCM về cho các Khu Quản lý Giao thông đô thị đã giúp việc quản lý hệ thống cây xanh chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, do các khu hiện thiếu đội ngũ cán bộ kỹ thuật am hiểu sâu sắc về chuyên ngành cây xanh nên việc thẩm định, giám sát còn hạn chế.

Giải quyết từ đâu?

Những năm trở lại đây, dân số thành phố tăng nhanh, số phương tiện tham gia giao thông tăng lên đáng kể, cùng với nước thải từ các khu dân cư, khu công nghiệp tập trung, rác y tế… đã làm cho môi trường thành phố xuống cấp nghiêm trọng.

Theo đo đạc của cơ quan chức năng, tại TP.HCM, lượng bụi trung bình mùa khô 4,8mg/m3, mùa mưa 2,5mg/m3 (vượt từ 5 đến 10 lần tiêu chuẩn cho phép); nồng độ khí SO2 mùa khô 0,9mg/m3, mùa mưa tại các trục giao thông chính nồng độ này là 0,65mg/m3 (cao hơn tiêu chuẩn 1,5 đến 2 lần). Riêng nồng độ chì (Pb) đo khi mật độ giao thông lớn là 4,5mg/m3 (vượt 1,5 đến 9 lần cho phép). Đặc biệt, nồng độ CO và CO2 vượt 1,5 đến 2,4 lần. Còn tiếng ồn vượt từ 5 đến 20 dBA. Cho nên, ngoài các biện pháp cấp bách nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường, người dân thành phố đang rất cần những không gian đô thị xanh cho sức khỏe của họ.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Thiện Hà, Giám đốc Công ty Công viên Cây xanh TP.HCM cho rằng: việc cải tạo lại hệ cây xanh thành phố phải làm ngay từ bây giờ. Nếu ngân sách thành phố còn hạn chế thì nên lên phương án chọn những con đường ở khu vực trung tâm ưu tiên thực hiện trước như: Nguyễn Huệ, Nguyễn Trãi, Lê Duẩn…

Theo ông Hà, hiện nay đơn vị của ông có một lực lượng cán bộ hùng mạnh (khoảng 70 người) am tường về chuyên ngành cây xanh; trong đó có nhiều người có kinh nghiệm gần 30 năm. Nếu sử dụng họ để đóng góp ý kiến hoặc thẩm định các dự án chuyên ngành thì rất tốt.

Riêng ông Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ tịch UBMTTQ TP.HCM lo ngại: “Nếu lãnh đạo thành phố, ngành chức năng cho xây dựng ào ạt mà không quan tâm đầu tư phát triển mảng xanh, tôi e rằng trong tương lai diện tích cây xanh tại TP.HCM sẽ teo tóp hơn bây giờ. Việc thành phố quy hoạch 8 vị trí bãi đầu xe ngầm hầu hết trong công viên cũng là điều cần phải suy nghĩ lại vì ít nhiều nó cũng gây thiệt hại đến mảng xanh, đặc biệt là cây cổ thụ. Chưa kể sau này, các công trình đưa vào khai thác, xe ra vào nhả khói bụi nhiều làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây xanh trong công viên”.

Ngoài ra, đối với các dự án xây dựng, cần quy định diện tích cây xanh nhiều hơn nữa. Thiết nghĩ, để tăng diện tích cây xanh cho thành phố, một trong những giải pháp mà các sở ngành, địa phương có thể thực hiện được ngay là giải tỏa tình trạng lấn chiếm vỉa hè để nhường chỗ cho cây xanh.