Những bí ẩn về cá sấu xiêm ở Vườn Quốc gia Cát Tiên

Vườn quốc gia Cát Tiên là một trong những món quà tặng của thiên nhiên dành cho miền Đông Nam bộ. Đây là khu bảo tồn đa dạng sinh học đã từng làm thế giới kinh ngạc, một khu du lịch sinh thái tuyệt vời, một lá phổi xanh cho sự phát triển công nghiệp trong vùng kinh tế động lực. Vườn quốc gia Cát Tiên còn khá nhiều bí ẩn.

Chắc hẳn bạn chưa một lần được đặt chân đến khu vực Bàu Sấu của Vườn quốc gia Cát Tiên? Và bạn cũng chưa từng một lần bồng bềnh trên chiếc thuyền Kazac vào buổi sáng, lắng nghe tiếng con chim công đực Pavo muticus gọi bầy, đàn vịt trời Anas poecilorhyncha ngái ngủ bên đám cỏ Lác, bất chợt thức giấc vụt bay lên bầu trời làm náo loạn cả một vùng đầm lầy. Một vùng trời đất, cây cỏ bao la, sơn thủy hữu tình mà mấy ai trong đời dù chỉ một lần lưu dấu chân mình chốn đây. Điều đó cũng dễ hiểu, vì ngay cả những chuyên gia nghiên cứu và đa dạng sinh học còn phải mỏi gối, chồn chân mới tới được nơi đây.

Đã có một thời những đốm mắt các sấu nước ngọt Crocodylus siamensis tồn tại nơi đây nhiều đến nỗi được ví như những đốm sao trời. Chỉ cần một ánh đèn pin quét qua trên mặt nước, hàng ngàn đốm mắt lung linh trong không gian tĩnh lặng và chính sự đông đúc của một quần thể cá sấu mà cái tên Bầu Sấu được ra đời từ đó.

Cá sấu nước ngọt (hay còn gọi cá sấu xiêm) có tên khoa học là Crocodylus siamensis thuộc họ cá sấu Crocodylidae, bộ cá sấu Crocodylia. Hình dạng như kỳ đà song thân dài, mõm dài như cái kẹp, hàm dưới có nhiều răng dài và nhọn. Đuôi cao to, khỏe phía trên đuôi có một gờ. Chân sau có màng ở lưng có dạng hình chữ nhật. Cá sấu nước ngọt màu xám, mặt bụng nhạt hơn so với lưng.

 
Cá sấu xiêm ở Bầu Sấu, Cát Tiên. (Ảnh: Phùng Mỹ Trung).

Cá sấu nước ngọt ở Cát Tiên dài khoảng 2,20 – 2,28m (trên thế giới cá sấu nước ngọt lớn nhất được ghi nhận đạt tới 4m). Cá sấu nước ngọt chủ yếu ăn cá, cua và những thú nhỏ như chuột. Chúng giao phối khoảng tháng 12-3. Chúng đẻ trứng mỗi năm một lần vào đầu mùa mưa với số lượng 15-20 trứng, có khi tới 40 trứng. Một tuần trước khi đẻ, cá sấu đào một hố sâu đến 500mm, rộng 800mm đẻ trứng vào đó. Chúng thường đẻ vào ban đêm. Sau khi đẻ xong, ổ đẻ được lấp bằng các cành lá khô mục làm thành một mô cao đến nửa mét. Cá sấu mẹ có tập tính bảo vệ trứng. Sau khi đẻ 75- 85 ngày thì trứng nở.

Sau hơn một thế kỷ, cá sấu nước ngọt Crocodylus siamensis toàn biến mất khỏi vùng đầm lầy Bầu Sấu bởi bàn tay săn bắt của con người. Hàng ngàn con cá sấu bị bắt, giết để lấy da, thịt phục vụ mục đích xuất khẩu… lậu. Hàng đêm, những ánh đèn săn cá sấu sáng rực cả một vùng rừng và những cá thể cuối cùng đã không còn được tìm thấy tại vùng đầm lầy rộng lớn này nhiều năm về trước.

Cuối cùng, một câu hỏi được đặt ra là: Nếu như quần xã cá sấu nước ngọt Crocodylus siamensis đã thích nghi và tồn tại nơi
đây với điều kiện, và môi trường sống phù hợp đến vậy mà sao chúng vẫn bị tuyệt chủng ? Tại sao loài và quần thể không tiếp tục chịu đựng được điều kiện sống nơi đây bị biến đổi theo thời gian. Tại sao một vài cá thể cuối cùng biến mất trước khi con người kịp nhận ra điều đó ? Câu trả lời thật đơn giản và dễ hiểu: CON NGƯỜI chính là tác nhân đã làm thay đổi, làm suy thoái dẫn đến hủy hoại cảnh quan, hệ sinh thái và quần thể cá sấu đông đúc nơi đây trên một diện tích rộng, CON NGƯỜI đã cố tình tuyệt diệt quần thể của chúng, đẩy loài này đến tuyệt chủng.

Sự biến mất của loài cá sấu nước ngọt Crocodylus siamensis đã để lại một hậu quả khó lường cho hệ sinh thái nơi đây. Trước kia phải khó khăn lắm chúng ta mới có thể kiếm được vài kilogram Ophiocephalus micropeltes hay Ophiocephalus striatus thì giờ đây, từng bầy đàn của chúng sinh sôi nảy nở với những số lượng không thể kiểm soát. Với một cây vợt nhỏ bạn dễ dàng kiếm được vài chục đến hàng trăm ký cá Notopterus notopterus hay Botia beauforti … từng đàn cá trắng Puntius binotatus nhởn nhơ bơi lội chúng đã chén sạch hầu hết các loài tảo đặc hữu. Liệu con người có kịp thời sửa chữa những sai lầm của mình hay không ? Liệu loài cá sấu nước ngọt Crocodylus siamensis sẽ biến mất trên bản đồ Vườn quốc gia Cát Tiên?
Năm 2000, một dự án trả lại cá sấu nước ngọt cho vùng đầm lầy Bầu Sấu. Những nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu đánh giá hệ sinh thái nơi đây, làm cơ sở cho việc phục hồi loài cá sấu tuyệt chủng vùng này. Với sự hỗ trợ của trường đại học Canberra (Australia), việc phân tích gien di truyền nhằm bảo đảm các cá thể được đem thả vào nơi đây là thuần chủng. Với 5 đợt thả, tổng cộng 60 con cá sấu đã được thả vào Bầu Sấu. Chúng phát triển rất nhanh vì nguồn thức ăn dồi dào, môi trường sống thích hợp. Ngày 23/06, Thủ tướng chính phủ đã đồng ý cho phép Bộ Tài nguyên và Môi trường làm thủ tục với Ban thư ký công ước Ramsar đăng ký khu hệ đất ngập nước Bầu Sấu vào danh sách Ramsar theo lộ trình.

Ngày 10/10/2005, một sự kiện làm xôn xao giới khoa học Việt Nam khi phát hiện một bầy cá sấu con khoảng 20 con đang kiếm ăn ở phía Tây Bầu Sấu. Chúng có chiều dài khoảng 2,7cm, vòng bụng rộng 2,5-3cm và đã khẳng định chắc chắn rằng, chính những con cá sấu nước ngọt được thả vào nơi đây đã có khả năng sinh sản đúng tuổi trong điều kiện môi trường tự nhiên. Tuy nhiên, quần thể cá sấu con này còn quá ít nên chúng cần được theo dõi, giám sát chặt chẽ để chúng sinh trưởng và phát triển ổn định vì cá sấu con rất dễ bị tiêu diệt bởi kẻ thù tự nhiên như Ophiocephalus micropeltes, Ardea purpurea, Ardea cinerea… và ngay cả loài Homo sapienes là tác nhân chính dẫn đến sự tuyệt chủng của quần thể đã được xem là đông đúc nhất nơi đây.

Loài cá sấu nước ngọt Crocodylus siamensis có thể tồn tại và phát triển trong môi trường tự nhiên ở khu đất ngập nước Bầu Sấu hay không ? Có thể một lần nữa quần thể này lại bị tuyệt chủng bởi bàn tay con người như trước đây hay không? Câu hỏi vẫn còn đang bỏ ngỏ… Câu chuyện về những đốm mắt của loài cá sấu nước ngọt có còn là chuyện hoang đường đối với con cháu chúng ta? Điều đó lệ thuộc vào sự nỗ lực của mỗi con người chúng ta đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học không chỉ với loài cá sấu nước ngọt Crocodylus siamensis ở Vườn Quốc gia Cát Tiên.